Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán

Giới thiệu 

Khi bạn mới tham gia Đầu tư Chứng khoán, cứ hết tháng Công ty Chứng khoán gửi cho bạn 1 bản Sao kê Tài khoản Chứng khoán qua Email hoặc bạn tự xem trong phần Giao dịch trong Tài khoản trên Online. Khi đó Bạn sẽ thấy xuất hiện 1 loại phí mà bạn vẫn chưa rõ là Phí Lưu ký Chứng khoán. Bài viết dưới đây sẽ trình bày để bạn hiểu được bản chất của loại Phí này. Ngoài ra đây cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu.

Trong hình: Một tài khoản mở tại HSC chụp phần Giao dịch tiền từ 01/04/2017 đến 30/04/2017. Trong đó có phần Phí Lưu ký Cổ phiếu

Các Vấn đề chính gồm:

+ Phí Lưu ký Cổ phiếu là gì và từ đâu mà có loại Phí này?
+ Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán.
+ Thay đổi về mức Phí Lưu ký Chứng khoán thu từ năm 2019.

—————————————————————

Vậy Phí Lưu ký Cổ phiếu là gì và từ đâu mà có loại Phí này?

– Phí Lưu ký: đây là 1 từ được dịch nguyên bản từ tiếng anh về, trong đó “Lưu” là Lưu giữ và “Ký” là Ký gửi. Như vậy Lưu ký là Lưu giữ và Ký gửi Chứng khoán. Nôm na tức là có người đứng ra bảo đảm Lưu giữ Ký gửi số Chứng khoán đó và chứng nhận mình đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu Công ty A này và bao nhiêu Cổ phiếu Công ty B kia. Ở đây vài trò làm việc này duy nhất chính là Nhà nước và Đại diện là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Bạn có thể xem thêm bài viết Chứng khoán chưa Lưu ký và Chứng khoán đã Lưu ký để hiểu hơn . Như vậy Phí Lưu ký chính là 1 khoản phí nhỏ mà trong đó Nhà nước đứng ra bảo đảm Quyền sở hữu số Chứng khoán có trên Tài khoản của mình tại các Công ty Chứng khoán.

– Cách thức thu phí: Như bạn cũng đã biết ở các bài viết trước, Thị trường Chứng khoán Việt Nam được cấu trúc 2 tầng, trong đó cơ quan Quản lý mà ở đây là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ quản lý các thành viên là Công ty Chứng khoán, Ngân hàng Lưu ký và tới lượt các đơn vị này thì họ lại quản lý lại các khách hàng của mình là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Như vậy Phí Lưu ký mà bạn phải trả cho Công ty Chứng khoán thực chất là sẽ trả hết cho Trung tâm, Công ty Chứng khoán ở đây đóng vai trò là người “thu hộ” loại phí này cho Trung tâm. Ví dụ: sau khi hết tháng 4/2017 và vào ngày giao dịch cuối cùng là 28/04/2017 thì Công ty Chứng khoán HSC đã có đủ cơ sở để tính toán loại phí này và đã thu Phí Lưu ký là 84 đồng, sau đó gom toàn bộ tất cả các khách hàng lại và phải chuyển trả cho Trung tâm chậm nhất là ngày 15/05/2017 tới qua Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Thành (Ngân hàng chỉ định thanh toán nơi Trung tâm mở tài khoản Ngân hàng).

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Phí Lưu ký Cổ phiếu là gì và từ đâu mà có loại Phí này?” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán

– Nguyên tắc tính Phí Lưu ký được đề cập đến dựa trên Thông tư 241/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính. Trong đó Phí Lưu ký được phân ra làm 02 loại là: Phí Lưu ký Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền và Phí Lưu ký Trái phiếu. Trong đó mức phí với Cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ, chứng quyền là 0,4 đồng mỗi tháng. Còn mức phí với Trái phiếu là 0,2 đồng mỗi tháng. Trong thực tế thì với nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thì gần như 100% là quan tâm tới mức cổ phiếu nên loại Phí Lưu ký Cổ phiếu cũng là chính. Ví dụ: nếu bạn cầm nguyên 1000 cổ phiếu VNM (Vinamilk – Công ty CP Sữa Việt Nam) từ đầu tháng đến cuối tháng 30 ngày thì mức phí mà bạn phải trả là 400 đồng (Rất bé). Lưu ý là ngày ở đây là tính kể cả ngày nghỉ / ngày lễ. Từ 1 đén 30/4 là 30 ngày, chứ không phải tính kiểu chỉ ngày làm việc thực tế độ 22 ngày.

– Lấy ví dụ thực tế cũng tài khoản ở trên để tính Phí Lưu ký Cổ phiếu tháng 4/2017 cho dễ hiểu. Ta có tình trạng tài khoản kết thúc 31/3/2017 – tức là đầu kỳ như sau:

Trong hình: Một tài khoản mở tại HSC được chụp tại phần Quản lý Danh mục ngày 31/3/2017

Ta dễ thấy đầu kỳ, Tài khoản này có 4 mã Chứng khoán là 20 cổ phiếu C32, 40 cổ phiếu CTD, 40 cổ phiếu HPG (20 cổ phiếu chờ về không tính) và 40 cổ phiếu MWG. Như vậy tổng số lượng cổ phiếu đầu kỳ của Tài khoản này sẽ là: 20 + 40 + 40 + 40 = 140 cổ phiếu.

Trong hình: Một tài khoản mở tại HSC chụp phần Giao dịch CK từ 01/04/2017 đến 30/04/2017. Trong đó có phần Ngày TT (Thanh toán) và Số lượng thay đổi như dấu đỏ

Trong ảnh trên, ta dễ thấy đây là phần chụp ghi nhận sự biến động của số lượng cổ phiếu trong kỳ tháng 4/2017. Đáng chú ý và cần phải nhắc lại rằng khi mua bán ngày Thứ 4 – 19/04/2017 thì theo nguyên tắc Ngày thanh toán T+2 như trong bài viết Ngày giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+3 trong chứng khoán thì ngày Thứ 6 – 21/04/2017 mới là ngay thanh toán chuyển nhận quyền sở hữu cổ phiếu đó. Tức là bạn mua cổ phiếu ngày 19/4 nhưng thực sự sở hữu để có các quyền nhữ cổ tức, tham dự Đại hội cổ đông lại bắt đầu tính từ ngày 21/04 (Ngày thực sự sở hữu). Để dễ dàng hơn mình xin lập 1 bản Excel Online của Google Bảng ví dụ Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán – Google Sheet để tính ví dụ cho trường hợp này hoặc xem hình sau:

Trong hình: Ví dụ về Cách tính Phí Lưu ký Cổ phiếu với một Tài khoản trên Excel

Trong hình ảnh ở trên thì ta có thể dễ dàng thấy được số dư số lượng chứng khoán cuối ngày của tất cả các ngày trong tháng 4/2017. Tổng cộng tất cả các số này cả tháng 4/2017 là 6.630 cổ phiếu. Khi đó ta sẽ chia 30 và nhân với mức phí 0,4 đồng thì kết quả là 84,8 đồng và làm tròn là 84 đồng. Như vậy đây là mức phí mà HSC đã đưa ra để thu đối với Tài khoản trên trong tháng 4/2017. Bạn có thể dễ dàng áp dụng tính thử với các tài khoản của bạn. Để kiểm tra cách tính của Công ty Chứng khoán nơi bạn đang mở tài khoản. Cần nhấn mạnh rằng, loại Phí này chỉ đơn thuần là Phí mà Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thu của toàn Thị trường và các Công ty Chứng khoán chỉ đóng vài trò là “Người thu hộ”. Chứ lâu nay chưa hề có Công ty nào cũng thu thêm vào phần này. Nên cứ theo quy định của Nhà nước nói trên là ra.

—————————————————————

Thay đổi về mức Phí Lưu ký Chứng khoán thu từ năm 2019

Theo Thông báo mới nhất tại Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/12/2018 thì từ Ngày 15/02/2019 mức Phí Lưu ký Chứng khoán sẽ thay đổi. Cụ thể: mức Phí Lưu ký với Cổ phiếu, Chứng chỉ Quỹ, Chứng quyền sẽ là 0,3 đồng mỗi tháng (Giảm so với mức cũ là 0,4 đồng mỗi tháng). Riêng mức Phí với Trái phiếu vẫn không đổi và là 0,2 đồng mỗi tháng. Như vậy cứ 1.000 cổ phiếu bạn đang sở hữu như VNM hiện tại thời giá cả lô là 138 triệu đồng thì bạn sẽ phải trả cho Nhà nước Phí Quản lý là 300 đồng mỗi tháng (Thay vì 400 đồng như trước Ngày 15/02/2019).

—————————————————————

Thay đổi về mức Phí Lưu ký Chứng khoán thu từ năm 2022

Theo Thông báo mới nhất tại Thông tư 101/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 17/11/2021 thì từ Ngày 01/01/2022 mức Phí Lưu ký Chứng khoán sẽ thay đổi. Cụ thể:

+ Phí Lưu ký với Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm sẽ là 0,27 đồng mỗi tháng (Giảm so với mức cũ là 0,3 đồng mỗi tháng).

+ Phí Lưu ký với Trái phiếu Doanh nghiệp sẽ là 0,18 đồng mỗi tháng (Giảm so với mức cũ là 0,2 đồng).

Như vậy cứ 1.000 cổ phiếu bạn đang sở hữu như HPG hiện tại thời giá cả lô là 27 triệu đồng thì bạn sẽ phải trả cho Nhà nước Phí Quản lý là 270 đồng mỗi tháng (Thay vì 300 đồng như trước Ngày 01/01/2022).

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Các loại Phí và Thuế trong Chứng khoán
Chứng khoán chưa Lưu ký và Chứng khoán đã Lưu ký

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 5/2017)