Công ty Đại Chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn là gì?

Giới thiệu

Bài viết Công ty Đại Chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn là gì? là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Bài viết này Giới thiệu về Công ty Đại Chúng – Nguồn gốc tạo lập nên Thị trường Chứng khoán. Các Vấn đề chính gồm:

+ Khái niệm và Điều kiện trở thành Công ty Đại chúng & Công ty Đại chúng Quy mô lớn.
+ Sự khác biệt giữa Công ty Đại chúng và Công ty Cổ phần khác không phải là Đại chúng.
+ Danh sách các Công ty Đại chúng & Thủ tục Đăng ký Công ty Đại chúng với Ủy ban Chứng khoán.
+ Xử lí Vi phạm liên quan tới Công ty Đại chúng.

—————————————————————

Khái niệm và Điều kiện trở thành Công ty Đại chúng & Công ty Đại chúng Quy mô lớn

– Công ty Đại chúng: được hiểu là Công ty Cổ phần có quy mô và độ phổ biến “đủ lớn” để đạt được tính “Đại chúng”, “đủ lớn” ở đây được hiểu trên 2 khía cạnh vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông. Theo qui định của Luật ở Việt Nam thì:

+ Có vốn điều lệ thực góp ít nhất là 10 tỷ đồng.
+ Ít nhất 100 cổ đông, không kể các cổ đông là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp – Các tổ chức bên lĩnh vực tài chính như Ngân hàng thương mại, Công ty Tài chính, Công ty Cho thuê Tài chính, Công ty Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý Quỹ (Cùng các Quỹ đầu tư do các Công ty này Quản lý).

Do đó khi một Công ty Cổ phần đạt đủ cả 02 điều kiện nói trên thì chính thức được xem là Công ty Đại chúng, theo quy định của Luật Chứng khoán thì trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành Công ty Đại Chúng thì Công ty Cổ phần đó phải nộp hồ sơ để báo cáo Ủy ban Chứng khoán biết và quản lý. Như vậy các Công ty Đại chúng sẽ do Ủy ban Chứng khoán quản lý, còn các Công ty cổ phần khác còn lại chưa đạt được tính “Đại chúng” vẫn sẽ do Sở kế hoạch Đầu tư các Tỉnh, Thành phố quản lý.

Trong hình: Thông báo của Ủy ban Chứng khoán chấp thuận Hồ sơ Đăng ký Công ty Đại chúng của Công ty CP Intimex Việt Nam (Link gốc ảnh)

Trong hình trên thì Công ty CP Intimex Việt Nam mới nộp hồ sơ đăng ký làm Công ty Đại chúng và đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Vốn điều lệ như trên thông báo là: 250 tỷ đồng (Khá lớn và đủ điều kiện để niêm yết trên sàn chính thức). Ngoài ra trong trường hợp ngược lại khi đang là Công ty Đại chúng tuy nhiên do vì một vài lý do nào đó như số cổ đông bị giảm trở lại dưới 100 cổ đông nên Công ty lại không phải là Công ty Đại chúng nữa nên sẽ bị hủy đi như Hình ảnh tại đây. Như vậy ngoài việc Đăng thông tin Công khai trên Website của Ủy ban  thì riêng Công ty Đại chúng đó sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi Công văn Chấp thuận thành Công ty Đại chúng như ví dụ Chấp thuận Hồ sơ Đăng ký Công ty Đại chúng – Công ty CP City Auto (Đại lý Ford Chính hãng).

– Công ty Đại chúng Quy mô lớn: là 1 khái niệm được ra đời phát sinh sau khi Ủy ban Chứng khoán Quản lý các Công ty Đại chúng trong 1 thời gian dài, hiểu nôm na là các Công ty có Quy mô còn lớn hơn nữa và do đó Yêu cầu về Quản lý Công bố thông tin đòi hỏi cần phải cao hơn để đảm bảo lợi ích của các cổ đông đại chúng. Về cơ bản là Công ty Đại chúng Quy mô lớn vốn điều lệ thực góp ít nhất 120 tỷ đồng căn cứ vào Báo cáo tài chính Kiểm toán gần nhất (Quy định mới nhất đã loại bỏ một điều kiện khác là có ít nhất 300 cổ đông). Khác biệt lớn nhất là Công bố thông tin, nhất là khi Công bố Báo cáo tài chính thì Công ty Đại chúng Quy mô lớn phải công bố thêm Báo cáo Tài chính Quý và Bán niên 6 tháng đầu năm thay vì chỉ có mỗi Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm như bình thường. Bạn có thể xem thêm Danh sách Công ty Đại chúng Quy mô lớn – 29/12/2017 (Nguồn VSD).

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Khái niệm và Điều kiện trở thành Công ty Đại chúng & Công ty Đại chúng Quy mô lớn” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Sự khác biệt giữa Công ty Đại chúng và Công ty cổ phần khác không phải là Đại chúng

Như trên đã nói thì Công ty Đại chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, tức là đã thuộc phạm vi của Luật Chứng khoán (Còn các Công ty Cổ phần còn lại kia chỉ do đơn thuần Luật Doanh nghiệp quản lý như bình thường). Do đó Công ty Đại chúng sẽ chịu 1 số khác biệt để đảm bảo tính “Đại chúng” của nó:

– Công bố đầy đủ các thông tin Định kỳ và Bất thường theo quy định: Báo cáo tài chính kiểm toán năm / soát xét 6 tháng đầu năm, Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, mua bán tài sản có giá trị lớn >15% Tổng tài sản Công ty, … .

Trong hình: Trang chủ Website của Công ty CP Truyền thông VMG với Mã Chứng khoán là ABC. Trong đó có mục “Cổ đông” vốn là đặc trưng của 1 Công ty Đại chúng (Link gốc ảnh)

Như trong hình trên thì đó là Website của Công ty CP Truyền thông VMG – là một Công ty Đại Chúng chưa niêm yết đã tiến hành Công bố thông tin theo đúng quy định trên Website của mình. Theo quy định của Luật thì tất cả các Công ty Đại chúng đều phải có website riêng, và trong đó đều phải có 1 mục riêng chuyên để công bố thông tin cho cổ đông được biết nhằm đảo bảo tính “Đại chúng” cũng như quyền lợi của mọi cổ đông là ngang nhau – đều có thể tiếp cận được thông tin của Công ty, ngoài ra khi đăng lên web thì Các Công ty cũng đồng thời phải gửi thông tin nói trên đến Ủy ban Chứng khoán để báo cáo, giám sát và công bố.

– Phải tuân thủ các Nguyên tắc Quản trị Công ty Đại chúng như:

+ Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Quản trị cũng như Ban Kiểm soát. Ví dụ: trong số các thành viên tham gia Hội đồng Quản trị của Công ty Đại chúng thì cần có ít nhất 01 thành viên là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập tức không nắm giữ cổ phiếu, không phải là nằm trong Ban Điều hành cũng như người liên quan, không có lợi ích trực tiếp, … tất cả để nhằm có 01 thành viên thực sự “Độc lập” trong Hội đồng Quản trị để qua đó có tiếng nói, giám sát, bảo đảm quyền lợi của cổ đông “nhỏ lẻ”, tránh tình trạng Công ty “Gia đình trị” biết với nhau, như vậy tính minh bạch sẽ tốt hơn và hoạt động chung cơ bản cũng theo hướng tốt hơn, nhà đầu tư yên tâm hơn mà đầu tư tin theo được. Ví dụ như tại link tại đây (Trang 37) hoặc hình dưới là cơ cấu Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB có thành viên Hội đồng Quản trị độc lập:

Trong hình: Thông báo Quản trị Công ty của Ngân hàng ACB được đăng trên Báo cáo thường niên. Trong đó có 1 Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập với vai trò Giám sát chung (Link gốc ảnh)

+ Bảo đảm Quyền lợi của mọi cổ đông, đối xử công bằng giữa các cổ đông (Không được phân biệt Cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ). Ví dụ khi được trả cổ tức tiền mặt thì sẽ căn cứ vào số lượng cổ phiếu mà mỗi cổ đông nắm giữ để trả, chứ không thể có chuyện vì đây là cổ đông lớn cầm 20% Công ty nên được trả tỉ lệ cổ tức 10% còn các cổ đông nhỏ lẻ thì chỉ được 5% hay như các cổ đông nội bộ là các Thành viên Hội đồng quản trị hay Phó Tổng giám đốc Công ty cũng là các cổ đông khi mua bán cổ phiếu của chính Công ty mình cần phải thông báo trước khi giao dịch cũng như khi giao dịch xong thì cần phải có báo cáo kết quả giao dịch, trong khi các cổ đông nhỏ lẻ bình thường khác thì không cần phải báo cáo, nguyên nhân của việc này là do các cổ đông nội bộ trên do tham gia quản lý và điều hành Công ty nên đương nhiên biết trước kết quả và tình hình Công ty nên khi giao dịch cần phải thông báo trước để đảm bảo sự công bằng so với các cổ đông bình thường khác. Bạn có thể xem thêm Hình ảnh tại đây.

+ Bảo đảm Công khai, Minh bạch mọi hoạt động của Công ty. Thực ra đây là tiêu chí lõi khi tham gia Thị trường Chứng khoán, chỉ khi có đầy đủ thông tin để phân tích, đánh giá, tổng hợp tiềm năng và triển vọng thì Cộng đồng Nhà đầu tư mới có thể bỏ vốn đầu tư, qua đó giúp cho Thị trường Chứng khoán huy động được vốn thành công được.

Trong hình: Trang chủ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong đó khẩu hiệu “Công khai, Minh Bạch, Công bằng” luôn được treo trên đầu và đó chính là tiêu chí chính hoạt động của Sở (Link gốc ảnh)

Trên hình là website chính của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX, thì ngay trên cùng của Web luôn có khẩu hiểu “Công khai – Minh Bạch – Công bằng” – Vốn chính là 1 trong các điểm cốt lõi nhất của Thị trường Chứng khoán và khi đã trở thành Công ty Đại chúng thì phải tuân thủ đúng nguyên tắc này của Luật.

– Phải thực hiện đăng ký, lưu ký Chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD theo quy định (Ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận là Công ty Đại chúng) hay tóm tắt lại là Chứng khoán của tất cả các Công ty Đại chúng kể cả chưa niêm yết để giao dịch đều phải chuyển hết về cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD – một đơn vị trực thuộc của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, tức là:

+ Công ty Đại Chúng nào cũng sẽ có mã chứng khoán riêng để có sự quản lý chung của Nhà nước, tránh hiện tượng giao dịch “khống” dễ dẫn đến lừa đảo như ngày xưa qua các Hợp đồng chuyển nhượng nhiều khi là viết tay với nhau – khi còn tồn tại thị trường tự do không có sự quản lý của nhà nước (Gọi tắt là Thị trường OTC). Ví dụ:

Trong hình: Danh sách Tổ chức Phát hành kèm Mã Chứng khoán riêng do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) quản lý (Link gốc ảnh)

Như trên, ta có thể thấy Danh sách tất cả các Công ty Đại chúng hiện được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD quản lý với các Mã Chứng khoán riêng cho từng Công ty. Để ý kỹ ta có thể thấy cả các mã chưa được niêm yết cũng được quản lý như mã ABC như trên hình. Theo quy định thì mỗi mã chứng khoán sẽ được định danh cho riêng 01 Công ty và không thể đổi được trong suốt thời gian tồn tại. Như vậy, nếu 01 Công ty Cổ phần đã có Mã Chứng khoán tức là đã là Công ty Đại chúng có sự quản lý của VSD, còn 01 Công ty Cổ phần mà không có mã tức là hiện tại vẫn do Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố quản lý.

+ Muốn chuyển nhượng mua bán được thì các nhà đầu tư cần mở tài khoản tại các Công ty Chứng khoán, sau đó qua sự trung gian của các Công ty Chứng khoán thì mọi hoạt động thanh toán giao dịch tiền – chứng khoán sẽ được thực hiện thông qua tổng đầu mối là VSD – một đơn vị của Nhà nước, qua đó giúp bảo đảm hơn rất nhiều nếu so với giao dịch thông thường như khi còn do Sở kế hoạch đầu tư quản lý. Đây cũng chính là nguồn gốc của Dịch vụ Môi giới Chứng khoán đang tồn tại tại các Công ty Chứng khoán hiện nay. Còn khi không phải Công ty Đại chúng thì việc chuyển nhượng lại thành trực tiếp hơn – 02 bên mua bán chỉ việc viết Giấy mua bán (Hoặc Hợp đồng theo mẫu) có sự xác nhận của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần và sau đó phải đăng ký lại Giấy phép kinh doanh mới do có sự xáo trộn cổ đông với Sở kế hoạch đầu tư (Khá phức tạp).

Ngoài ra thì so với loại hình Công ty Trách Nhiệm Hữu hạn và Công ty Cổ phần Bình thường khác thì ta có thể xem Bảng hình ảnh sau để rõ hơn:

Trong hình: Bảng so sánh giữa Công ty Đại chúng và các Loại hình Doanh nghiệp khác (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Danh sách các Công ty Đại chúng & Thủ tục Đăng ký Công ty Đại chúng với Ủy ban Chứng khoán

Do danh sách này được cập nhật liên tục nên không có danh sách mới nhất nhưng bạn có thể xem thêm Danh sách các Công ty Đại chúng tính tới điểm 31/12/2015 đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán tại đây hoặc Danh sách các Công ty Đại chúng đã đăng ký và đã được cấp mã chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tại đây.

Thủ tục Đăng ký Công ty Đại chúng bạn có thể tham khảo link sau của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được rõ hơn Thủ tục Đăng ký Công ty Đại chúng – SSC.

—————————————————————

Xử lí Vi phạm liên quan tới Công ty Đại chúng

– Liên quan tới chậm nộp hồ sơ Đăng ký Công ty Đại chúng (trong 90 ngày thành Công ty Đại chúng là hạn cuối):

+ Cảnh cáo: nộp chậm <01 tháng.

+ Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng: nộp chậm từ 01 đến 12 tháng.

+ Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng: nộp chậm >12 tháng (Hoặc khai thông tin sai về cơ cấu cổ đông và Báo cáo tài chính năm gần nhất khi nộp). Bạn có thể xem thêm hình ảnh sau để rõ hơn Hình ảnh tại đây. Trong hình là hình ảnh Thông báo của Ủy ban Chứng khoán phạt Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn với mức phạt là 40 triệu đồng do nộp chậm hồ sơ Đăng ký Công ty Đại chúng quá 12 tháng.

– Liên quan tới Nghĩa vụ Công ty Đại chúng:

+ Cảnh cáo: không thông báo hoặc chậm thông báo khi không còn là Công ty Đại chúng (Vốn <10 tỷ hoặc không còn đủ 100 cổ đông).

+ Phạt tiền 30 – 50 triệu đồng: không đăng ký lưu ký cổ phiếu (Cấp Mã Chứng khoán) hoặc vi pham thực hiện quyền, đăng ký, lưu ký tại VSD.

– Ngoài ra còn 1 số mức phạt khác liên quan tới Quản trị Công ty Đại chúng như: không xây dựng Quy chế quản trị nội bộ, vi phạm Cung cấp thông tin, ngăn ngừa xung đột lợi ích, … .

–  Trường hợp nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán
Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY) và sự thu hẹp sàn OTC

————————————————————–

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

————————————————————–

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 10/2016)