Thị trường Chứng khoán sơ cấp và Thị trường Chứng khoán thứ cấp

Giới thiệu

Bài viết Thị trường Chứng khoán sơ cấp và Thị trường Chứng khoán thứ cấp là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Bài viết này giải thích 2 khái niệm quan trọng cho người mới tìm hiểu Chứng khoán là Thị trường Chứng khoán sơ cấp và Thị trường Chứng khoán thứ cấp. Các Vấn đề chính gồm:

+ Thị trường Chứng khoán sơ cấp.
+ Thị trường Chứng khoán thứ cấp.

—————————————————————

Thị trường Chứng khoán sơ cấp

Thị trường Chứng khoán sơ cấp là thị trường mà tại đó chứng khoán được phát hành lần đầu tiên cho các nhà đầu tư, và vì là lần đầu tiên nên vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang cho Tổ chức Phát hành (Thay vì sang cho nhà đầu tư khác như bên thứ cấp). Nên bản chất của hoạt động này chính là tăng vốn điều lệ trên Thị trường Chứng khoán. Phương thức phát hành của thị trường này là Phát hành riêng lẻ và Phát hành ra công chúng.

Do tính chất kể trên nên Thị trường Chứng khoán sơ cấp chính là thị trường cung cấp và tạo hàng cho Thị trường Chứng khoán thứ cấp phát triển (Mua đi bán lại với nhau giữa các nhà đầu tư). Ở Việt Nam, mọi hoạt động phát hành sơ cấp đều do Vụ Quản lý Phát hành Chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý. Ta có thể xem hoạt động này khi vào Web của Ủy ban ở địa chỉ www.ssc.gov.vn như hình:

Trong hình: Trang chủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có các Tab như “Tin tức & Sự kiện”, rồi Tab con “Hoạt động Phát hành” (Link gốc ảnh)

Ta vào Tab “Tin tức & Sự kiện”, sau đó vào tab con “Hoạt động phát hành” sẽ vào phần hoạt động quản lý phát hành hàng ngày của các Tổ chức Phát hành do Ủy Ban Chứng khoán quản lý. Mọi hoạt động tăng vốn đều cần giấy phép do Ủy ban Chứng khoán xem xét và phê duyệt. Ví dụ:

Trong hình: Thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cấp Giấy Chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 (Link gốc ảnh)

Như trong hình có thể thấy Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 đã nộp hồ sơ và được Ủy ban Chứng khoán cấp phép để tăng vốn điều lệ từ 52,5 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng thông qua việc chào bán 1,55 triệu cổ phiếu DP3 mệnh giá 10.000 đồng/ cổ phiếu (Gồm 1,325 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 237,5 ngàn cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên của Công ty). Liên quan đến hoạt động này của cổ phiếu DP3, chúng ta có thể tham khảo thêm các tài liệu sau để hiểu thêm:

1. Nghị quyết và Biên bản Họp Đại hội cổ đông thường niên 2015 – DP3 (Điều 10 phê duyệt việc tăng vốn điều lệ từ 52,5 tỷ lên 68 tỷ đồng)

2. Các Nghị quyết Hội đồng quản trị có liên quan – DP3

3. Giấy Chứng nhận Chào bán cổ phiếu 2015 – DP3 – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

4. Nghị quyết Hội đồng quản trị Hạn chế chuyển nhượng – DP3

5. Bản cáo bạch Phát hành thêm 2015 – DP3

6. Nghị quyết Hội đồng quản trị tạm ứng cổ tức và lựa chọn đơn vị kiểm toán tăng vốn – DP3

7. Thông báo Phát hành cổ phiếu ra Công chung – DP3

8. Hướng dẫn chuyển nhượng Quyền mua cổ phiếu – DP3

9. Giấy Đăng ký mua Chứng khoán – DP3 và Giấy Chuyển nhượng Quyền mua Chứng khoán – DP3

—————————————————————

Thị trường Chứng khoán thứ cấp

Thị trường Chứng khoán thứ cấp là thị trường mà tại đó chứng khoán được mua đi bán lại với nhau giữa các nhà đầu tư sau khi đã được phát hành lần đầu ở Thị trường Chứng khoán sơ cấp. Điều này làm thay đổi quyền sở hữu chứng khoán giữa các nhà đầu tư và do đó Vốn điều lệ của Tổ chức Phát hành hoàn toàn không hề thay đổi gì trong quá trình này. Mục tiêu cao nhất của thị trường này là tạo tính thanh khoản, để khi một nhà đầu tư A cần tiền họ đang sở hữu 1 loại cổ phiếu thì có thể bán ngay lập tức để đổi ra tiền mặt cho một nhà đầu tư B khác đang có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lời loại cổ phiếu đó, chính tính thanh khoản này sẽ giúp cho Tổ chức Phát hành trên Thị trường Chứng khoán sơ cấp khi cần vốn cho các dự án kế hoạch kinh doanh của mình có thể tăng vốn điều lệ mở rộng sản xuất kinh doanh. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn có 1 số vốn nhàn rỗi là 100 triệu đồng, không lớn quá để mở 1 cái cửa hàng hay 1 cái gì đó, và thời gian bạn nhàn rỗi tạm thời khi đó là khoảng 1 năm, như vậy nếu chỉ có Thị trường Chứng khoán Sơ cấp mua xong của Tổ chức Phát hành và bạn phải nắm giữ mãi để “ăn” mỗi cổ tức tiền mặt hàng năm là 10% thì trường hợp này bạn sẽ không đầu tư kênh Chứng khoán được, do lượng tiền mặt từ cổ tức thu về khi đó sẽ không đủ để bạn dùng cho mục đích khác của bạn và Tổ chức Phát hành khi đó cũng không thể huy động được vốn từ hàng trăm, hàng vạn các nhà đầu tư lớn nhỏ. Như vậy việc tổ chức Thị trường Chứng khoán thứ cấp là tất yếu để Thị trường Chứng khoán sơ cấp có thể phát triển và huy động vốn thành công để dẫn vốn vào các Công ty có hiệu quả, qua đó giúp nền kinh tế quốc gia phát triển.

Thị trường Chứng khoán thứ cấp ngày nay được tổ chức rất quy mô bài bản, nhất là thị trường cổ phiếu và mọi giao dịch đều được hiện thông qua các Công ty Chứng khoán (Nghĩa là bạn muốn giao dịch mua bán thì phải mở TK Chứng khoán ở các Công ty Chứng khoán). Ở Việt Nam chúng ta hiện nay chính xác là đang có 3 sàn giao dịch do 2 Sở giao dịch Chứng khoán quản lý: HOSE do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh quản lý, HNX và UPCoM do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý, ngoài ra còn 1 sàn Đại chúng Chưa Niêm yết do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD quản lý (Các Công ty Chưa niêm yết, Chưa đăng ký Giao dịch). Bên cạnh đó thì đang có khoảng 80 Công ty Chứng khoán đang hoạt động với giá trị giao dịch toàn thị trường cả 3 sàn hàng ngày vào khoảng 2000 – 3000 tỷ/ phiên. Các giao dịch ngày nay hầu như cũng được thực hiện theo phương thức Online, tức là khi bạn mở xong 01 Tài khoản Chứng khoán tại Công ty Chứng khoán thì bạn sẽ được cấp 01 tài khoản có thể đăng nhập trên Website hoặc Phần mềm riêng của Công ty Chứng khoán đó qua Điện thoại thông minh hoặc máy tính, chỉ cần nộp tiền qua Ngân hàng là bạn có thể bắt đầu giao dịch và tham gia vào Thị trường thứ cấp này, khá đơn giản.

Trong hình: Bảng giá trên sàn HOSE của FPTS trong Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2015 – Phiên ngày 31/12/2015 (Link gốc ảnh)

Như trong hình trên thì ta có thể thấy tại phiên giao dịch ngày 31/12/2015, sàn HOSE của Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã giao dịch với giá trị là 2.134 tỷ đồng, như vậy quy mô Thị trường thứ cấp này là khá lớn, cũng trong hình mình có ghim giữ một số cổ phiếu đang quan tâm với 1 số mã hàng đầu như VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk, FPT của Công ty CP FPT – FPT, BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, VIC của Công ty CP Tập đoàn VinGroup – VinGroup, … .

Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các nội dung trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 01/2016)