Thanh khoản chứng khoán và Tỷ suất vòng quay chứng khoán

Giới thiệu

Bài viết Thanh khoản chứng khoán và Tỷ suất vòng quay chứng khoán là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Từ lâu mỗi khi bạn đọc thông tin báo chí tài chính hay các bài nhận định, đánh giá, phân tích đều có nói đến các cụm từ như “Thanh khoản”, “Thanh khoản Chứng khoán”, … Vậy thực sự thì Thanh khoản trong lĩnh vực Chứng khoán là gì? Và các ứng dụng của nó như thế nào? Các Vấn đề chính gồm:

+ Thanh khoản Chứng khoán – Khái niệm và đơn vị đo lường.
+ Thanh khoản Chứng khoán phụ thuộc vào yếu tố gì?
+ Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán – Khái niệm, Công thức, Ví dụ và Ứng dụng.

—————————————————————

Thanh khoản Chứng khoán – Khái niệm và đơn vị đo lường

– Khái niệm: Thanh khoản Chứng khoán được hiểu đơn giản là khả năng dễ dàng Mua Bán Chuyển nhượng Chứng khoán mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến Giá Thị trường của Tài sản ở đây là Chứng khoán. Ví dụ: Khi ta nói “Chứng khoán có thanh khoản hơn Bất động sản” hàm ý ở đây tức lúc cần tiền ta có thể dễ dàng bán Chứng khoán thành tiền ngay lập tức với Giá thị trường đang giao dịch hơn là quá trình bán Bất động sản thành tiền. Vì thông thường thì Bất động sản muốn bán cũng không thể dễ dàng bán ngay trong 1 vài ngày, trong khi Chứng khoán thì có thể làm như vậy được. Như vậy, Thanh khoản Chứng khoán cũng có thể hiểu là tính “lỏng”, tính dễ dàng chuyển đổi thành tiền của Tài sản (Chứng khoán).

Do trong Chứng khoán về cơ bản chia ra 3 làm loại chính là: Cổ phiếu, Trái phiếu và Chứng chỉ Quỹ. Do phổ biến nhất là Cổ phiếu nên mình sẽ tập trung nói về Thanh khoản Cổ phiếu, thay vì Thanh khoản Trái phiếu hay Thanh khoản Chứng chỉ Quỹ vốn rất ít được mọi người quan tâm.

Trong ảnh: Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về thanh khoản của Sở trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 theo tiêu chí riêng Loại Chứng khoán (Link gốc ảnh)

Trong hình trên Bạn có thể dễ dàng thấy được là Giá trị Giao dịch của Thị trường Cổ phiếu luôn rất cao và gần như tuyệt đối (>98%) so với Tổng thể Thị trường Chứng khoán ở HOSE. Do đó khi người ta nói Thanh khoản Chứng khoán thì về cơ bản ta có thể ngầm hiểu mặc định là Thanh khoản Thị trường Cổ phiếu, còn khi muốn nói cụ thể thì sẽ phải nói là Thanh khoản Thị trường Trái phiếu, Thanh khoản Thị trường Chững chỉ Quỹ. Do tính phổ biến như vậy nên Nội dung bài viết này mình cũng sẽ tập trung nói về loại thanh khoản này – Thanh khoản Cổ phiếu.

– Đơn vị Đo lường: từ rất lâu rồi, Thanh khoản Cổ phiếu thường được cho là Số lượng Cổ phiếu Giao dịch hàng ngày hoặc Giá trị Giao dịch hàng ngày của Cổ phiếu đó trong 1 khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên xét 1 cách đúng nhất thì Giá trị sẽ là chính xác nhất, do có nhiều cổ phiếu có thể 1 ngày giao dịch với số lượng vài triệu cổ phiếu nhưng Giá trị chưa chắc đã cao do Giá cổ phiếu đó quá thấp và do đó chưa chắc đã ảnh hưởng nhiều đến Thị trường về Tâm lý hay Xu hướng.

Trong ảnh: Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HOSE về thanh khoản của Sở trong năm 2017 theo tiêu chí Top 10 Cổ phiếu có Khối lượng Giao dịch lớn nhất (Link gốc ảnh)

Bạn có thể dễ dàng thấy rằng 10 Công ty có Khối lượng Cổ phiếu Giao dịch lớn nhất hầu như toàn bộ là các tên tuổi “làng nhàng” nhỏ bé với đặc điểm chính là Giá cổ phiếu khá thấp. Theo ghi nhận thì chỉ có duy nhất STB và HPG là 2 Công ty lớn duy nhất trong Top này, để ý kỹ hơn chỉ ngoài STB, HPG ra thì chỉ còn DXG là có Giá đóng cửa cuối năm > 10 ngàn đồng / cổ phiếu. Còn lại toàn bộ các cổ phiếu có giá thấp hơn Mệnh giá 10 ngàn đồng. Như vậy Top này thực sự là không có ý nghĩa định hướng Thị trường và cũng không thể coi là Thanh khoản cao được.

Trong ảnh: Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HOSE về thanh khoản của Sở trong năm 2017 theo tiêu chí Top 10 Cổ phiếu có Giá trị Giao dịch lớn nhất (Link gốc ảnh)

Trong hình ảnh trên là Top 10 Cổ phiếu có Giá trị lớn nhất trong năm 2017 ở sàn HOSE, dễ thấy hầu hết đều là các Công ty lớn nhất sàn về Giá trị Vốn hóa với Giá cổ phiếu rất cao và đương nhiên vì thế có tính Định hướng cho cả Thị trường. Như vậy, Thanh khoản Cổ phiếu chính là Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của Cổ phiếu đó, Cổ phiếu có Thanh khoản cao là Cổ phiếu có Giá trị giao dịch hàng ngày cao và ngược lại.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Thanh khoản Chứng khoán – Khái niệm và đơn vị đo lường” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Thanh khoản Chứng khoán phụ thuộc vào yếu tố gì?

Thống kê ở trên cũng đã chỉ ra rằng các cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thường có ảnh hưởng chung đến Xu hướng Thị trường và cũng thường là các Công ty lớn hàng đầu của Thị trường. Ở trên ta đã biết Thanh khoản Chứng khoán chính là Giá trị Giao dịch hàng ngày của 1 Cổ phiếu. Vậy Giá trị này phụ thuộc vào yếu tố gì và làm thế nào để Đơn vị đo lường này cao lên theo Thời gian? Ta có các yếu tố:

– Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành: Rõ ràng là Công ty có Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành lớn hơn thì sẽ có cơ sở điều kiện Cần để Giá trị giao dịch hàng ngày sẽ lớn hơn, tất nhiên Số lượng này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc tăng Vốn điều lệ Hàng năm của Công ty Niêm yết. Bạn có thể xem thêm về Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành tại bài viết Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành.

Trong ảnh: Thông báo của HOSE về Danh sách Cổ phiếu thuộc Chỉ số VN30 kỳ mới với Tỷ lệ Free-Float và Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành để tính Chỉ số (Link gốc ảnh)

– Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng hay còn gọi là Tỷ lệ Free-Float: Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành ở trên mới chỉ là Tổng số Cổ phiếu đang có trên Thị trường, tuy nhiên nếu trừ đi số lượng Cổ phiếu của các Cổ đông Nội bộ, Cổ đông Chiến lược, … thì ta mới ra Số lượng Cổ phiếu Đang thực sự tự do và đây mới chính là Cơ sở để Số lượng Cổ phiếu Đang giao dịch hàng ngày có thể cao lên được, qua đó góp phần làm cho Giá trị Giao dịch hàng ngày lớn hơn. Bạn có thể xem thêm bài viết sau để hiểu hơn về Tỷ lệ Free-Float: Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float.

– Giá Cổ phiếu: đây cũng là 1 thành tố tạo nên Giá trị, vì nó chính bằng số lượng nhân với Giá. Giá cổ phiếu càng cao thì Giá trị giao dịch hàng ngày càng cao. Ở trên ta thấy hầu hết các trong Top 10 cổ phiếu có Giá trị lớn nhất trong năm 2017 ở sàn HOSE đều có Giá cổ phiếu khá cao (Trừ FLC). Giá cổ phiếu về cơ bản sẽ phụ thuộc vào kết quả làm ăn hiện tại và triển vọng tương lai. Chi tiết phần Định giá Cổ phiếu sẽ được trình bày trong 1 bài viết khác sau này.

– Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán: sẽ trình bày cụ thể ngay dưới đây.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Thanh khoản Chứng khoán phụ thuộc vào yếu tố gì?” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán – Khái niệm, Công thức, Ví dụ và Ứng dụng

– Khái niệm và Công thức: ở bài viết Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float ta hiểu rằng thường chỉ có 1 lượng Cổ phiếu được phép tự do chuyển nhượng nhất định. Tuy nhiên ngay cả khi thuộc diện cổ phiếu tự do chuyển nhượng thì thường cũng chỉ có 1 lượng nhất định hàng ngày tham gia Giao dịch Mua bán để tạo ra Giá thị trường Ví dụ như bản thân nhà đầu tư mua để đầu tư vài năm chả hạn thì đương nhiên là không có Giao dịch. Nếu như Tỷ lệ Giao dịch hàng này này quá thấp so với Tổng số lượng Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng thì rõ ràng là Giá cổ phiếu sẽ ít mang tính Thị trường hơn hay gọi nôm na là cổ phiếu dễ bị “thao túng”, “làm giá” và không phản ánh đúng Giá trị. Kết quả là việc Đầu tư của chúng ta đôi khi sẽ bị “hớ” khi nhìn vào Giá hiện tại của các Cổ phiếu có Tỷ lệ giao dịch hàng ngày quá ít. Để đo lường việc này người ta dùng khái niệm Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán và được tính theo Công thức sau: 

Trong ảnh: Công thức tính Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán để đo lường tỷ lệ giao dịch hàng ngày so với Số lượng Cổ phiếu Đang tự do chuyển nhượng (Link gốc ảnh)

Trong ảnh trên ta thấy Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán được tính toán khá rõ và không phức tạp. Để hình dung dễ dàng hơn về công thức này, mình sẽ tính cụ thể thử 1 mã cụ thể ở đây là MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động.

– Ví dụ về tính Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán của MWG:

+ Xuất dữ liệu về Giá trị Giao dịch hàng ngày của MWG: ta có thể xuất Dữ liệu này tại Link Thống kê Giá – FPTS của FPTS (Lưu ý Link này phải vào bằng Máy tính hoặc Máy tính bảng, Điện thoại Di động sẽ bị lỗi). Ở Ô “Chứng khoán” mình chỉnh là “MWG”, Ô “Từ ngày” mình chỉnh là “01/01/2018”, Ô “Đến ngày” mình chỉnh là “30/06/2018” và Bấm chuột Ô “Excel”. Như vậy, ta có Dữ liệu về Giao dịch của MWG trong 6 tháng đầu năm 2018 bằng Excel. Bạn cũng có thể có Dữ liệu tương tự này bằng việc Copy Paste từ Màn hình Website ra Excel với Dữ liệu tại Link Lịch sử Giao dịch MWG – CafeF của CafeF. Bạn có thể xem thêm tại Dữ liệu Giao dịch MWG – Excel Online hoặc ảnh sau:

Trong ảnh: Dựa trên Dữ liệu Giao dịch của MWG ta dễ dàng tính được Giá trị bình quân Giao dịch hàng ngày trong kỳ 6 tháng đầu năm 2018 là 69,851 tỷ đồng (Link gốc ảnh)

+ Tính Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float bình quân trong kỳ của MWG: như đã từng trình bày tại bài viết Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float, để tính được tiêu chí này cần biết 3 thông số: Tỷ lệ Free-Float làm tròn của MWG, Số lượng Cổ phiếu Lưu hành hàng ngày và Giá Cổ phiếu Hàng ngày. Về Tỷ lệ Free-Float thì theo thông báo của HOSE tại Danh sách Cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ 1/2018 thì MWG có Tỷ lệ Free-Float làm tròn trong kỳ là: 65%. Về Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành thì trong kỳ có 2 lần thay đổi như tại: Thông báo thay đổi Số lượng Cổ phiếu Lưu hành – Ngày 18/01/2018 – MWG và Thông báo thay đổi Số lượng Cổ phiếu Lưu hành – Ngày 02/04/2018 – MWG. Còn về Giá cổ phiếu Hàng ngày thì như File phía trên. Như vậy, ta có thể tính được Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float bình quân trong kỳ của MWG như Dữ liệu Giao dịch MWG – Excel Online hoặc hình sau:

Trong ảnh: Dựa trên Dữ liệu Giao dịch của MWG có thêm ta dễ dàng tính được Giá trị Vốn hóa Thị trường Bình quân Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float 65% là 24.184 tỷ đồng (Link gốc ảnh)

+ Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán của MWG trong 6 tháng đầu năm 2018: áp dụng 2 Dữ liệu ở trên, ta dễ dàng tính đính Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán này là 69.851 triệu đồng / 24.184.195 triệu đồng = 0,2888%. Một cách Tương tự ta có thể tính Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán của các mã khác trong Top 70 mã Vốn hóa Thị trường lớn nhất lớn nhất ở sàn HOSE tại ngày 29/06/2018 như Dữ liệu Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán Top 70 HOSE – Excel Online hoặc hình ảnh sau:

Trong ảnh: Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán trong 6 tháng đầu năm của các Cổ phiếu Top 70 Vốn hóa Thị trường của sàn HOSE tại ngày 29/06/2018 (Link gốc ảnh)

Nhìn vào Bảng trên, ta dễ dàng thấy thường Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán của  các mã Top dao động trong khoảng 0,6 – 1%. Điều đó có nghĩa là nếu Giá trị phần Tự do chuyển nhượng của 1 Cổ phiếu là 1.000 tỷ thì Giá trị giao dịch hàng ngày của Cổ phiếu đó sẽ là 6 – 10 tỷ đồng. Theo quy định hiện tại của HOSE khi chọn cổ phiếu vào các Chỉ số chọn lọc như VN30, VN100, … thì Giá trị này không được thấp hơn 0,05%, tức là các mã giao dịch ít hơn 15 – 20 lần so với bình thường sẽ bị loại vì thanh khoản quá ít thì Giá có khả năng sẽ biểu hiện không chính xác Giá trị của Doanh nghiệp do dễ dàng bị Thao túng “Làm giá”, trong khi mục đích chính của các chỉ số phụ này là cần biểu hiện đúng Xu hướng giá của thị trường, của ngành, … mà chỉ số chính như VN-Index hay HNX Index đang mắc phải.

– Ứng dụng của Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán: Tỷ số này quá nhỏ thì rõ ràng là Giá cổ phiếu của Công ty đó sẽ dễ dàng bị thao túng làm Giá và tốt nhất là không nên Giao dịch các mã này. Và nếu Tỷ suất này tốt nhất là nên phải >0,5% thì hãy xem xét Giao dịch vì lúc đó thường là khó thao túng hơn tức là Đúng giá Thị trường hơn, nhất là trong bối cảnh bạn là Nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc Giao dịch và Định giá Giá trị Cổ phiếu. Giao dịch hàng ngày của Công ty càng lớn thì càng khó Thao túng giá và kinh nghiệm chia sẻ thêm nếu bạn là 1 Nhà đầu tư lớn thì tốt nhất Giá trị Mua bán Cổ phiếu của bạn ở 1 Cổ phiếu không nên vượt quá 10% Giá trị Giao dịch Khớp lệnh của Cổ phiếu đó trong Giai đoạn mà bạn đang xem xét Mua Bán, tức là khi Giá trị Mua bán của bạn hàng ngày vượt qua >10% Giá trị Tổng cả ngày của Cổ phiếu đó thì sẽ khó Mua Bán nên khi bạn nhiều tiền thì Mã bạn chọn sẽ khó hơn rất nhiều hoặc là bạn phải chấp nhận Đầu tư lâu dài như các Quỹ đầu tư ngoại lớn. Riêng với 2 Sở HOSE và HNX thì Tỷ suất này sẽ là 1 trong các Tiêu chí quan trọng để Sở xem xét việc lựa chọn Cổ phiếu vào các Chỉ số của mình.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán – Khái niệm, Công thức, Ví dụ và Ứng dụng” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán
> Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 8/2018)