Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán
Giới thiệu
Như các bạn đã biết, hoạt động Vay Margin Ký quỹ là một công cụ Đòn bẩy Tài chính khá phổ biến trong Đầu tư Chứng khoán. Trong đó, Lãi vay Margin là yếu tố quan trọng và được nhiều người quan tâm vì nó ảnh hưởng lớn đến biên Lợi nhuận bạn có thể thu được khi tham gia Đầu tư Chứng khoán kèm Vay Margin Ký quỹ của Công ty Chứng khoán. Vậy Lãi vay Margin là gì? Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán như thể nào thì trong Bài viết này, mình sẽ phân tích rõ hơn để các bạn nắm được. Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Về cơ bản việc, các Vấn đề chính gồm:
+ Giới thiệu về Khái niệm Vay Margin (Vay Ký quỹ) trong Chứng khoán.
+ Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán.
+ Kết luận và một số Lưu ý về Lãi vay Margin Ký quỹ.
—————————————————————
1. Giới thiệu về Vay Margin (Vay Ký quỹ) trong Chứng khoán
– Khái niệm Vay Margin (hay có tên gọi khác là Vay Ký quỹ): đây là hình thức Giao dịch mà Nhà Đầu tư có thể vay tiền từ Công ty Chứng khoán để thực hiện Mua thêm Chứng khoán trên Thị trường. Hoạt động vay Margin yêu cầu có Tài sản đảm bảo chính là những Cổ phiếu và Tiền hiện có trong Tài khoản, từ khoản thế chấp đó để bạn có thể Vay thêm tiền từ Công ty Chứng khoán. Như vậy, hiểu một cách đơn giản, Vay Margin là giao dịch cho vay cầm cố, trong đó Công ty Chứng khoán cho bạn vay một số tiền để mua thêm Cổ phiếu và Tài sản cầm cố là Giá trị của số Cổ phiếu đang có trong danh mục của Nhà Đầu tư. Đây là một hình thức Đòn bẩy Tài chính giúp Nhà Đầu tư tối ưu được nguồn Vốn sẵn có để gia tăng Lợi nhuận khi có Cơ hội từ Thị trường.
– Cơ chế Vay Margin Ký quỹ: Để thực hiện Giao dịch Vay Margin thì Thủ tục cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần hoàn thành Hợp đồng Mở Tài khoản Chứng khoán Ký quỹ. Dựa trên Tài khoản Ký quỹ này, Công ty Chứng khoán sẽ cho Khách hàng vay tiền để mua nhiều Cổ phiếu hơn so với Giá trị Tài khoản Ròng mà Nhà Đầu tư thực có. Sau khi Ký xong Hợp đồng, bạn có thể nộp tiền vào Tài khoản và sử dụng Giao dịch Vay Margin luôn, Khoản vay phát sinh lúc nào thì sẽ được ghi nhận và tính toán từ lúc ấy. Tuy nhiên, theo quy định của Luật thì Thời hạn của một khoản vay Giao dịch Ký quỹ không được quá ba (03) tháng tính từ ngày thực hiện giải ngân khoản vay (thông thường Công ty Chứng khoán hay quy định là 90 ngày) nên ta sẽ thấy việc Vay Margin Ký quỹ chỉ phù hợp trong ngắn hạn và có tính chất thiên về Đầu cơ, bạn có thể dùng tiền vay để Đầu cơ lướt sóng là chính. Trường hợp bạn muốn Đầu tư dài hạn thì việc Vay Margin sẽ không phù hợp. Xem thêm: Đảo Nợ Margin trong Chứng khoán là gì?.
Về số tiền mà Công ty Chứng khoán cho bạn vay thì sẽ phụ thuộc vào quy định Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu của từng Công ty Chứng khoán đặt ra với từng Mã Cổ phiếu. Hiểu rõ về Tỷ lệ Ký quỹ ở đây chính là Tỷ lệ giữa Giá trị Tài sản thực có của Nhà Đầu tư so với Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ (Gồm cả Vốn thực có của Khách và Tiền vay Công ty Chứng khoán). Đây là một Khái niệm rất quan trọng được sử dụng trong Vay Margin, thể hiện mức độ an toàn trong Tài khoản Chứng khoán và gắn liền với cơ chế hoạt động của việc Vay Margin. Xem thêm: Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?.
Ví dụ: Bạn đang có 100 triệu đồng và muốn mua Cổ phiếu Ngân hàng MBBank (Mã chứng khoán: MBB). Hiện tại, MBB đang được Công ty Chứng khoán cho Vay Margin với Tỷ lệ Ký quỹ Ban đầu là 50%.
Nếu bạn nạp 100 triệu đồng vào Tài khoản Chứng khoán thường thì Tổng Sức mua của bạn là 100 triệu đồng để mua Cổ phiếu MBB.
Nếu bạn nạp 100 triệu đồng vào Tài khoản Ký quỹ thì tổng Sức mua Tối đa của bạn là 200 triệu đồng. Khi đó: Bạn sẽ có 200 triệu đồng để mua MBB, trong đó 100 triệu đồng là Vốn tự có của bạn, 100 triệu đồng còn lại là do Công ty Chứng khoán cho bạn vay.
Ta có thể thấy, Giá của Cổ phiếu mỗi ngày đều biến động, kéo theo sự biến động của Giá trị Danh mục Đầu tư và Giá trị Tài sản ròng của Khách hàng, trong khi phần Nợ vay không đổi làm cho Tỷ lệ Ký quỹ sẽ thay đổi theo. Trong trường hợp Giá Cổ phiếu giảm thì Tỷ lệ Ký quỹ sẽ giảm theo và Tỷ lệ Ký quỹ Margin càng nhỏ thì rủi ro của Tài khoản càng lớn. Khi Tỷ lệ Ký quỹ giảm xuống dưới mức Tỷ lệ Ký quỹ duy trì tối thiểu theo quy định (thường 30%-35%) thì Công ty Chứng khoán sẽ yêu cầu Nhà Đầu tư thực hiện việc bổ sung thêm Tài sản đảm bảo là tiền hoặc Cổ phiếu. Nếu Nhà Đầu tư không bổ sung thêm đủ Tài sản đảm bảo thì Công ty sẽ phải bán bớt Cổ phiếu ra để giảm Tiền vay, đưa Tỷ lệ Ký quỹ về đúng quy định.
Bên cạnh phần Nợ gốc Vay Margin Chứng khoán, Nhà Đầu tư sẽ phải trả thêm khoản Lãi vay Margin mỗi ngày, tính trên phần Nợ gốc đang vay. Ví dụ như trong Khoản vay ở trên, trong 200 triệu đồng mua mã Cổ phiếu MBB thì bạn có vay Công ty Chứng khoán 100 triệu đồnng và bạn sẽ chịu Lãi vay Margin trên Nợ gốc 100 triệu đồng này. Có thể thấy, Phần Lãi vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên Lợi nhuận có thể thu được của Nhà Đầu tư, vây nên Lãi vay Margin cũng là một điểm bạn cần Lưu ý để cân đối Khoản vay sao cho hiệu quả. Và trong phần dưới đây, mình sẽ phân tích rõ hơn về Lãi vay Margin cũng như Cách tính Lãi vay này để các bạn nắm rõ được bản chất, từ đó có thể sử dụng Công cụ Đòn bẩy Tài chính tốt hơn.
—————————————————————
2. Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán
– Khái niệm Lãi suất Margin: đây chính là Lãi suất được sử dụng để tính Lãi vay phải trả của Nhà Đầu tư cho Công ty Chứng khoán khi Vay Margin tiền mua Cổ phiếu. Tương tự như Lãi suất cho Vay của ngân hàng, trong trường hợp này Công ty Chứng khoán là bên cho vay, Nhà Đầu tư là bên đi vay. Lãi suất Vay Margin được quy định vào từng thời điểm tùy theo từng Công ty Chứng khoán và sẽ có ghi rõ ràng trong Hợp đồng với Khách hàng. Thông thường mức Lãi suất Margin này được tính theo ngày và cao hơn hẳn so với Đi vay Ngân hàng nhưng bù lại Thủ tục vay Margin từ Công ty Chứng khoán lại đơn giản, vốn rất cần thiết để “Chộp” Cơ hội.
Hiện nay thì Lãi suất Margin thường vào khoảng 0.025-0.05% / ngày. Nhìn chung, Lãi suất cho vay Margin tại các Công ty Chứng khoán hiện nay quy đổi lại theo năm sẽ giao động từ 9-14.5% / năm và neo nhất định theo Lãi suất Tiền gửi bên Ngân hàng. Để nắm được cụ thể hơn về Lãi suất Margin trên Thị trường, bạn có thể tham khảo ví dụ về quy định mức Lãi suất Margin đại chúng hiện nay của 10 Công ty Chứng khoán Top đầu ở Bảng dưới đây:
Ngoài ra, để nhằm thu hút Khách hàng thì hiện nay một số Công ty Chứng khoán còn có thêm nhiều chương trình ưu đãi Lãi suất vay Margin khác đa dạng hơn theo các Sản phẩm Gói vay. Có rất nhiều Gói Vay Margin có Lãi suất rất thấp như 7 – 10% / năm, tuy nhiên đi kèm với Điều kiện là Vòng quay Mua Bán phải ngắn hơn 90 ngày như <30 Ngày hay <7 Ngày phải Mua Bán một lần (Dùng Phí Giao dịch để bù cho Lãi suất thấp). Bên cạnh đó, nếu Vốn Đầu tư của bạn đủ lớn và có nhu cầu vay đặc biệt (được gọi là VIP) thì bạn hoàn toàn có thể thương lượng với Công ty Chứng khoán (thông qua Môi giới) để được hưởng một mức Lãi suất Margin Chứng khoán ưu đãi hơn so với mức Lãi suất Margin mặc định áp dụng cho Khách đại chúng.
– Cách tính Lãi vay Margin: ta có thể hiểu phần Lãi vay Margin chính là chi phí bạn cần phải trả cho Công ty Chứng khoán khi sử dụng dịch vụ Vay Margin. Tiền Lãi vay được tính theo ngày từ ngày giải ngân đến ngày thực trả (kể cả ngày nghỉ Lễ, Thứ Bảy và Chủ Nhật tương tự như vay Ngân hàng) trên cơ sở Dư Nợ Ký quỹ thực tế và Lãi suất Margin theo ngày. Nếu bạn phát sinh một Khoản vay mua Chứng khoán thì Ngày giải ngân là ngày T+2 (Ngày Thanh toán) và bạn sẽ chưa cần chịu Lãi vay 2 ngày T+0 và T+1. Lãi vay sẽ bắt đầu được tính từ Ngày giải ngân là T+2, khi đó Chứng khoán mới về Tài khoản và Công ty Chứng khoán mới ghi nhận khoản tiền cho bạn vay. Tương tự khi bạn phát sinh Lệnh Bán Chứng khoán thì Ngày thực trả chính là Ngày tiền bán về Tài khoản (Ngày T+2 – Ngày Thanh toán). Xem thêm: Chu kỳ Thanh toán T+2 và các vấn đề có liên quan.
Cụ thể, Công thức tính Lãi vay Margin như sau:
* Lãi được tính theo số ngày (thường số ngày tính lãi trong năm là 360 ngày): Tiền lãi = Số Dư nợ vay Margin * Lãi suất vay Margin (Theo Ngày) * Số ngày vay.
Lãi vay được tạm tính hàng ngày kể từ ngày giải ngân và được thu hoặc ghi nợ vào ngày cuối cùng hàng tháng hoặc khi đóng Tài khoản Chứng khoán Ký quỹ.
Ví dụ: Bạn đang có 100 triệu đồng và muốn Vay Margin thêm để mua Cổ phiếu Hòa Phát (Mã chứng khoán: HPG). Hiện tại, HPG đang được Công ty chứng khoán cho Vay Margin với Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu là 50% và Lãi suất Margin là 0.04%/ngày. Để các bạn dễ hình dung được cách tính Lãi vay Margin thì mình sẽ đơn giản Ví dụ, không tính các Chi phí khác như Phí giao dịch, Phí Thuế,…và Giả định Giá Cổ phiếu HPG không thay đổi. Các Giao dịch cụ thể như sau:
+ Tại Thứ 2 – Ngày 10/10/2022 (Ngày giao dịch và cũng là Ngày thanh toán): Bạn nộp 100 triệu đồng vào Tài khoản Chứng khoán Ký quỹ. Sức mua tối đa để mua HPG của Tài khoản là 200 triệu đồng.
+ Tại Thứ 3 – Ngày 11/10/2022 (Ngày giao dịch): Bạn Mua Cổ phiếu HPG với Tổng giá trị mua là 130 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng là Vốn thực có => Phát sinh Khoản vay 30 triệu đồng. Đến Thứ 5 – Ngày 13/10/2022 (T+2, là Ngày Thanh toán), Khoản vay được ghi nhận giải ngân và bắt đầu tính Lãi vay.
+ Tại Thứ 4 – Ngày 12/10/2022 (Ngày giao dịch): Bạn tiếp tục Mua Cổ phiếu HPG với Tổng giá trị mua là 50 triệu đồng => Phát sinh Khoản vay 50 triệu đồng. Đến Thứ 6 – Ngày 14/10/2022 (T+2, là Ngày Thanh toán), Khoản vay được ghi nhận giải ngân và bắt đầu tính Lãi vay. Tổng Vay lúc này: 30 triệu đồng + 50 triệu đồng = 80 triệu đồng.
+ Tại Thứ 6 – Ngày 14/10/2022 (Ngày giao dịch): Bạn Bán Cổ phiếu HPG với Tổng giá trị bán là 60 triệu đồng. Đến Thứ 3 – Ngày 18/10/2022 (T+2, là Ngày Thanh toán), số tiền bán về Tài khoản và bạn thực hiện Trả 60 triệu tiền Nợ gốc => Số Nợ vay gốc còn lại: 80 triệu đồnng – 60 triệu đồng = 20 triệu đồng.
+ Tại ngày 19/10/2022 (Ngày giao dịch và cũng là Ngày thanh toán): Bạn nộp 20 triệu đồng vào Tài khoản Ký quỹ và trả hết toàn bộ Nợ gốc vay còn lại. Lúc này Tài khoản Ký quỹ của bạn không còn Vay và không bị tính Lãi vay nữa.
Như vậy, Tổng Lãi vay cần trả trong Tháng 10/2022 của bạn được tính theo Tổng Lãi vay từng ngày trong tháng cộng lại là 148.000 đồng (Như Bảng Thống kê dưới). Trong đó, Lãi Vay trong ngày = Nợ vay cuối ngày * 0,04% ( tương ứng Lãi vay trong ngày 13/10/2022 là 30tr*0,04%=12.000 đồng; Lãi vay trong ngày từ ngày 14/10 đến ngày 17/10 là 80tr*0.04%=32,000 đồng; Lãi vay trong ngày 18/10/2022 là 20tr*0.04%=8,000 đồng).
– Nguyên tắc Thu tiền Lãi vay:
* Ngày thu Lãi: thông thường sẽ là ngày làm việc cuối tháng và có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Trường hợp Khách hàng tất toán Hợp đồng thì ngày tất toán là ngày thu lãi.
* Tiền Lãi: được tính trên cơ sở Dư nợ thực tế của từng ngày, được cộng dồn theo ngày, được tạm giữ trong Sức mua sau khi kết thúc ngày Giao dịch và sẽ thu một lần vào Ngày thu Lãi (Ngày làm việc Cuối tháng).
* Trường hợp vào Ngày thu Lãi, Tài khoản Khách hàng không có tiền mặt, Công ty Chứng khoán sẽ lựa chọn các hình thức sau để thu Lãi: Yêu cầu khách hàng nộp tiền, hoặc xử lý Tài sản đảm bảo hoặc ghi nhận Tiền Lãi vào Nợ gốc. Trên thực tế hiện nay, vào Ngày thu lãi, hầu hết các Công ty Chứng khoán sẽ ghi nhận Tiền Lãi vay chuyển thành một khoản vay và cộng dồn vào Dư nợ Ký quỹ (Lãi vay Tháng này nhập vào Gốc Vay cho đầu Tháng sau).
* Trường hợp nếu Khách hàng không thanh toán Khoản vay đúng hạn, Nợ vay sẽ chuyển thành Nợ quá hạn. Lúc này, Khách hàng sẽ phải chịu Lãi suất quá hạn kể từ Ngày đáo hạn đối với phần Nợ gốc còn lại. Lãi suất quá hạn thường cao hơn rất nhiều so với Lãi suất trong hạn. Chi tiết cụ thể tùy Công ty Chứng khoán. Ví dụ: Mirae Asset Lãi suất Cho vay Margin trong hạn là 12% thì Lãi suất quá hạn là 18%, TCBS Lãi suất cho vay Margin trong hạn là 14% thì Lãi suất quá hạn là 20%, …
—————————————————————
3. Kết luận và một số Lưu ý về Lãi vay Margin Ký quỹ
– Kết luận: Ta có thể thấy, thông thường, phí Lãi vay sẽ giao động từ 9-14,5%/năm ở các Công ty Chứng khoán, tương đối cao so với vay Ngân hàng và Vay Margin Ký quỹ cũng có thời hạn rất ngắn (90 hoặc 180 ngày) nên bản chất có tính Đầu cơ Ngắn hạn. Vậy nên, bạn phải xác định thực sự đây là Cơ hội có khả năng Lợi nhuận Kỳ vọng cao hơn đáng kể Chi phí thì mới nên cân nhắc Vay vì nếu Tỷ lệ Lợi nhuận trên Vốn Đầu tư của bạn không lớn hơn tỷ lệ Lãi suất vay Margin thì sẽ coi như bạn đã bị lỗ.
– Một số Lưu ý về Lãi vay Margin Ký quỹ:
* Lãi suất Kép: như mình đã chỉ ra ở trên, thông thường vào Ngày thu Lãi, hầu hết các Công ty Chứng khoán sẽ ghi nhận phần Tiền Lãi vay trong tháng chuyển thành một khoản vay và cộng dồn vào Dư nợ Ký quỹ của Tháng tới. Do đó, trên thực tế khi Vay Margin, phần Lãi vay bạn phải trả có thể sẽ tính trên Lãi kép. Nếu Công ty Chứng khoán có quy định Lãi suất Margin theo năm như 12%/năm thì Lãi suất bạn thực trả trong quá trình Vay sẽ cao hơn con số này theo ước tính Lũy kế là 12,68% / năm.
Ví dụ: Với Mục đích có Cơ hội nâng cao Lợi nhuận, bạn quyết định sử dụng Vay Margin để mua thêm các Cổ phiếu. Khoản vay bạn nợ Công ty Chứng khoán có giá trị 100 triệu đồng, ngày giải ngân là ngày 01/07/2022. Lãi suất cho Vay Margin của Công ty Chứng khoán là 12%/năm, tương ứng 1%/tháng. Ta có Thông tin Khoản vay qua từng tháng sẽ được mô phỏng theo Bảng ở hình trên. Có thể thấy, khi đáo hạn Khoản vay, mức Lãi suất Margin trung bình theo tháng thực tế bạn phải trả là 1.01003% >1% như quy định đưa ra. Nếu giả định Khoản vay kéo dài 1 năm (12 tháng) thì ta sẽ tính được tổng số Lãi phải trả thực tế là 12,682,503 đồng, tương ứng Lãi thực tế là 12,68%/năm.
* Trường hợp tính Lãi vay các Ngày Nghỉ, Lễ: Nếu ngày nghỉ lễ bắt đầu rơi vào khoảng thời gian T+0 đến T+1 thì bạn sẽ không phải chịu Lãi vay trong khoảng thời gian nghỉ lễ này vì khi đó, số Cổ phiếu mua chưa về Tài khoản tương ứng với số tiền vay chưa bắt đầu được tính. Đến ngày làm việc tiếp theo sau nghỉ lễ, khi Cổ phiếu về Tài khoản thì khoản vay mới tính là phát sinh và bắt đầu chịu Lãi vay. Nếu ngày nghỉ lễ bắt đầu rơi vào khoảng thời gian sau T+2, tức là trước lúc nghỉ lễ thì Cổ phiếu đã về Tài khoản, khoản vay đã được tính thì bạn sẽ vẫn bị tính tiền Lãi vay như bình thường. Như vậy, bạn nên lưu ý khi sử dụng khoản Vay Margin vào thời điểm gần các dịp Lễ sao cho phù hợp để tránh phải chịu nhiều phí Lãi vay trong các Ngày nghỉ lễ kéo dài như dịp lễ Tết.
* Lãi Vay Nợ Margin trong Ngày: Nếu bạn sử dụng Giao dịch Vay Margin để mua Cổ phiếu và sau đó bán ra Cổ phiếu đang có sẵn để trả hết Nợ vay luôn trong cùng 1 ngày thì sẽ không bị tính phí Lãi vay.
* Có nên dùng Vay Margin ký Quỹ thường xuyên: thực tế quan sát theo nhiều năm qua thì thấy hầu như các Nhà Đầu tư liên tục dùng Margin cả năm như một thói quen thì sau cùng cũng sẽ thua lỗ. Vay Margin Ký Quỹ có Lãi suất rất cao và chỉ phù hợp theo từng thương vụ, “chộp” Cơ hội chứ không phải là Nguồn Vốn Dài hạn ổn định để Đầu tư Dài hạn vào Cổ phiếu. Và thực sự thì khuyên tốt nhất là không nên sử dụng Margin ngày từ đầu, đặc biệt là các Nhà Đầu tư mới vì có những lúc Thị trường biến động quá lớn và không kịp “trở tay”.
Trên đây, mình đã trình bày những nội dung cần thiết để các bạn nắm được rõ hơn về Lãi vay Margin cũng như Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?
> Đảo Nợ Margin trong Chứng khoán là gì?
> Chu kỳ Thanh toán T+2 và các vấn đề có liên quan
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————
(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 11/2022)