Các loại Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh

Giới thiệu

Với sự phát triển của Thị trường Chứng khoán Việt Nam, ngoài các sản phẩm Chứng khoán Cơ sở thì từ năm 2017 Thị trường nước ta đã xuất hiện thêm sản phẩm mới là Chứng khoán Phái sinh, cụ thể là Hợp đồng Phái sinh. Đây được xem là công cụ giúp Nhà Đầu tư hạn chế được rủi ro trong Đầu tư Chứng khoán Cơ sở. Xem thêm: Chiến lược Phòng vệ Tài khoản Cơ sở bằng Phái sinh.

Đặc biệt, thời gian gần đây khi Thị trường Cơ sở giảm giá mạnh thì  Thị trường Chứng khoán Phái sinh bắt đầu trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều Nhà Đầu tư. Tuy nhiên, với một số người mới tham gia thì vẫn còn khá thắc mắc rằng việc đầu tư Chứng khoán Phái sinh có tốn nhiều Phí Thuế hay không? Và trong Bài viết này, vì sẽ đưa ra chi tiết Các loại Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh để các bạn có thể nắm được rõ hơn. Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:

+ Giới thiệu về Chứng khoán Phái sinh tại Việt Nam.
+ Các loại Phí trong Chứng khoán Phái sinh.
+ Thuế trong Chứng khoán Phái sinh.
+ Kết luận và một số lưu ý về Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh.

—————————————————————

1. Giới thiệu về Chứng khoán Phái sinh tại Việt Nam

Khái niệm Chứng khoán Phái sinh: được định nghĩa là một Công cụ Tài chính dưới dạng Hợp đồng mà trong đó giá trị của Chứng khoán Phái sinh phụ thuộc vào giá trị của Tài sản Cơ sở (Gốc). Cụ thể, Hợp đồng xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc Thanh toán tiền, Chuyển giao số lượng Tài sản Cơ sở vào thời điểm xác định trong tương lai với mức giá nhất định được thỏa thuận trước (Hiện tại Việt Nam mới chốt nhau thanh toán chỉ bằng Tiền). Tài sản cơ sở của Chứng khoán Phái sinh được quy định có thể là Mã Chứng khoán, các Chỉ số Chứng khoán. Hiểu một cách đơn giản hơn, các sản phẩm Chứng khoán Phái sinh cho phép Nhà Đầu tư kỳ vọng vào sự “tăng” hoặc “giảm” của Tài sản Cơ sở trong tương lai. Nếu sự thay đổi đó diễn ra đúng như dự đoán thì Nhà Đầu tư sẽ có lời.

Trong Chứng khoán phái sinh sẽ bao gồm 4 loại chính: Hợp đồng Kỳ hạn, Hợp đồng Tương lai, Hợp đồng Quyền chọn và Hợp đồng Hoán đổi. Tuy nhiên, đối với Thị trường Chứng khoán Việt Nam thì sản phẩm Chứng khoán Phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch là Hợp đồng Tương lai (viết tắt là HĐTL), cụ thể là Hợp đồng Tương lai trên Chỉ số Cổ phiếu (VN30) và Hợp đồng Tương lai trên Trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn đầu tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, Tài sản Cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao, trong đó HĐTL trên chỉ số VN30 là sản phẩm giao dịch chủ yếu. Xem thêm: Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).

Trong ảnh: Quy trình Giao dịch Chứng khoán Phái sinh tại Chứng khoán VPS – các bên khác cũng tương tự (Link gốc ảnh)

Đặc điểm: Việc giao dịch Hợp đồng đồng Tương lai được thực hiện khá tương tự như Giao dịch Cổ phiếu. Các Hợp đồng Tương lai sẽ có Bảng giá riêng biệt, Nhà Đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của Chỉ số để đặt lệnh và khớp lệnh phù hợp. Cụ thể, khi kỳ vọng Chỉ số tăng để kiếm lợi nhuận thì bạn sẽ mua Hợp đồng Tương lai Chỉ số (Hay Long VN30F) và ngược lại khi kỳ vọng Chỉ số giảm thì sẽ bán Hợp đồng Tương lai Chỉ số (Hay Short VN30F và cũng kiếm được lợi nhuận khi giảm). Một điểm khác biệt là các Hợp đồng Tương lai sẽ đáo hạn, do đó Nhà Đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn Hợp đồng có Tháng đáo hạn phù hợp.

Đối với Cổ phiếu trên Thị trường Cơ sở, Nhà Đầu tư muốn mua Cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và Nhà Đầu tư muốn bán Cổ phiếu phải có đủ số Cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng Tương lai, Nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ Tài sản Cơ sở để tham gia vị thế bán. Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, đều sẽ được sử dụng hoạt động Ký quỹ, bản chất chính là Đòn bẩy Tài chính khá cao qua VSD và cả Công ty Chứng khoán (Thường thì Giá trị Danh nghĩa là 100 đồng thì bạn chỉ cần nộp vào khoảng 16-18 đồng như hiện tại). Vì quy trình thông qua nhiều đơn vị như vậy nên về cơ bản, các Chi Phí trong Chứng khoán Phái sinh cũng sẽ nhiều hơn Cơ sở, cụ thể các loại Phí thuế mình sẽ đưa ra chi tiết hơn trong phần dưới đây.

—————————————————————

2. Các loại Phí trong Chứng khoán Phái sinh

Phí Giao dịch tại Công ty Chứng khoán: đây là chi phí mà bạn phải trả khi bạn mua bán Chứng khoán Phái sinh thành công. Phí này do Công ty Chứng khoán thu của khách trên cơ sở cung cấp Dịch vụ giúp khách hàng có thể Mua Bán Chứng khoán Phái sinh thành công qua Công ty mình trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX. 

Trong ảnh: Biểu Phí Giao dịch Chứng khoán Phái sinh của Top 5 Công ty Chứng khoán có Thị phần Môi giới Phái sinh lớn nhất hiện nay (Link gốc ảnh)

Mức Phí giao dịch này sẽ do từng Công ty quy định, có Công ty đang miễn phí, có Công ty thu 1.000 đồng/Hợp đồng, có Công ty thu cao hơn. Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các Công ty Chứng khoán như VPS, TCBS, MAS,… đều quy định thu Phí giao dịch là 1.000 đồng/Hợp đồng. Như vậy, nếu bạn thực hiện khớp lệnh mua Long 10 HĐTL thì Phí Giao dịch bạn cần trả cho Công ty Chứng khoán là 1.000 x 10 = 10.000 đồng, và sẽ được thu ngay khi khớp lệnh thành công.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Phí Giao dịch trả cho HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội): Vì HNX là đơn vị triển khai giao dịch Chứng khoán Phái sinh nên khi thực hiên các khớp lệnh Phái sinh thì Nhà Đầu tư cũng sẽ cần trả Phí cho Sở Giao dịch Chứng khoán. Cụ thể, Phí giao dịch Chứng khoán Phái sinh nộp cho HNX là 2.700 đồng/Hợp đồng Tương lai Chỉ số (mức phí là 4.500 đồng đối với Hợp đồng Tương lai Trái phiếu Chính phủ). Đây là mức phí được Luật quy định chung trên toàn Thị trường, không thay đổi giữa các Công ty Chứng khoán và sẽ trả một lần vào sau ngày khớp lệnh thành công. Ví dụ, trong phiên giao dịch bạn mở mua 10 HĐTL chỉ số VN30 (Long 10 HĐ VN30F), sau đó bạn đóng vị thế bằng bán 8 HĐTL (Short 8 HĐ VN30F) và chỉ còn nắm giữ 2 HĐTL. Lúc này, Phí Giao dịch bạn trả cho HNX cho cả 18 Hợp đồng hôm đó là: Số lượng (10+8) x 2.700 đồng / Hợp đồng =48.600 đồng.

Trong ảnh: Biểu Phí Giao dịch Chứng khoán Phái sinh trả cho HNX và VSD (Link gốc ảnh)

Phí Dịch vụ trả cho VSD (Trung tâm Lưu ký Chứng khoán): Trong Chứng khoán Phái sinh, trước khi Giao dịch, tiền của bạn sẽ được chuyển lên VSD để thực hiện Ký quỹ, vậy nên hoạt động này cũng sẽ phát sinh chi Phí cần trả cho VSD. Cụ thể, Phí nộp cho VSD sẽ bao gồm 2 loại Phí:

+ Phí Dịch vụ Quản lý vị thế: quy định chung trên toàn Thị trường, ở tất cả các Công ty Chứng khoán, mức Phí Quản lý vị thế nộp cho VSD là 2.550 đồng/Hợp đồng/Tài khoản/Ngày (tính cả ngày nghỉ). Mức Phí này sẽ được tính và trả hàng ngày cho các HĐTL còn nắm giữ trong ngày. Cụ thể, Cách tính Phí: Cuối ngày T, Tài khoản của Nhà Đầu tư còn Số lượng A vị thế mở: Phí dịch vụ Quản lý vị thế tại ngày T = A x 2.550 đồng.

Ví dụ: cuối phiên giao dịch ngày thứ 6, Nhà Đầu tư có 10 vị thế mở, khi đó ta có Phí Quản lý vị thế qua từng ngày sẽ thu là:

Trong ảnh: Ví dụ cách tính Phí Quản lý vị thế trả cho VSD – tính cả Thứ 7 và Chủ nhật (Link gốc ảnh)

Tổng Phí Quản lý vị thế phải thu cho ngày thứ 6 = 76.500đ (Công ty Chứng khoán thường sẽ thu trước 9h00 sáng ngày thứ 2 của tuần kế tiếp). Tại ngày thứ 2, nếu bạn đóng hết 10 vị thế trong phiên thì tại ngày hôm đó, bạn sẽ không phải chịu Phí Quản lý Vị thế nữa.

+ Phí Dịch vụ Quản lý Tài sản Ký quỹ: đây là mức phí sẽ dựa trên số dư Tài khoản Ký quỹ trên Tài khoản mà VSD đang quản lý của Nhà Đầu tư. Mức phí này cũng được VSD quy định chung trên Thị trường, cụ thể là 0,0024% Giá trị lũy kế số dư Tài sản Ký quỹ (gồm Tiền + giá trị Chứng khoán tính theo Mệnh giá)/Tài khoản/Tháng; Tối thiểu không thấp hơn 100.000 VND/Tài khoản/Tháng; Tối đa không quá 1.600.000 VND/Tài khoản/Tháng. Cụ thể cách tính Phí: Tại cuối ngày T, bạn có số dư ký quỹ là B thì Phí dịch vụ Quản lý Tài sản Ký quỹ tại ngày T = B x 0,0024%. Mức Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ sẽ được tính Cộng dồn hàng ngày và thu định kỳ vào cuối tháng. Nếu Tài khoản của bạn không đủ tiền mặt để thu phí, Công ty Chứng khoán thường sẽ rút Ký quỹ để thu phí.

Ví dụ: Trong Tháng 10/2022, vào Thứ 6 ngày 28/10/2022, bạn phát sinh 200 triệu đồng trên Tài khoản Ký quỹ tại VSD và đang đang nắm giữ ở dạng Tiền mặt để chờ theo dõi Cơ hội. Đến hết Tháng 10/2022 bạn vẫn chưa thực sự giao dịch Phái sinh nhưng vẫn để Tiền ở Tài sản Ký quỹ nên vẫn bị tính Phí. Lúc này Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ từ 28-31/10/2022 sẽ là: 200 triệu đồng x 0,0024% x 4 Ngày = 19.200 đồng và < 100.000 đồng (mức tối thiểu), do đó Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ Tháng 10/2022 của bạn là 100 ngàn đồng.

Trong ảnh: Ví dụ cách tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trả cho VSD trong tháng (tính cả các ngày nghỉ lễ) (Link gốc ảnh)

* Trong Tháng 11/2022, với 3 ngày đầu, Tài khoản Ký quỹ của bạn vẫn nguyên 200 triệu đồng. Tại Ngày 04/11/2022 bạn thực hiện mở vị thế mua HĐTL, trong phiên bạn có lãi 50 triệu và thực hiện đóng vị thế nên số dư Tài sản Ký quỹ của bạn tăng từ 200 triệu lên 250 triệu đồng (số dư duy trì trong 6 ngày). Sau đó tại Ngày 10/11/2022, bạn mở vị thế bán HĐTL, trong phiên bạn lỗ 30 triệu và thực hiện đóng vị thế, số dư Tài sản Ký quỹ của bạn giảm từ 250 triệu xuống 220 triệu đồng (số dư duy trì trong 12 ngày). Sang Ngày 22/11/ 2022, bạn tiếp tục mở vị thế bán HĐTL, trong phiên bạn lãi 60 triệu và thực hiện đóng vị thế, số dư Tài sản Ký quỹ của bạn tăng từ 220 triệu lên 280 triệu đồng và duy trì đến cuối tháng (9 ngày). Các ngày trong tháng 11 sau đó, bạn không thực hiện thêm giao dịch Phái sinh nào nữa.

Lúc này ta có Tổng Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trong tháng 11/2022 là: (200 triệu đồng  x 0,0024% x 3 ngày) + (250 triệu đồng x 0,0024% x 6 ngày) + (220 triệu đồng x 0,0024% x 12 ngày) + (280 triệu đồng x 0,0024% x  9 ngày) = 179.040 đồng > 100.000 đồng nên Mức Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ của tháng 11/2022 bạn phải trả là 174.240 đồng.

Trong ảnh: Ví dụ cách tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trả cho VSD trong một tháng và qua tháng khác (Link gốc ảnh)

* Tại ngày 01/12/2022:
TH1: Nếu bạn tiếp tục để tiền trên Tài khoản Ký quỹ và duy trì số dư Ký quỹ là 280 triệu đồng thì Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trong tháng 12/2022 bạn phải trả tối thiểu là 100.000 đồng. Cho dù sang ngày 02/12/2022 bạn rút tiền và không phát sinh thêm bất cứ giao dịch Phái sinh nào nữa thì Phí Quản Tài sản Ký quỹ trong tháng 12 của bạn vẫn sẽ là 100.000 đồng vì trong tháng 12, bạn đã có một ngày phát sinh số dư Tài sản Ký quỹ trên Tài khoản VSD quản lý.
TH2: Nếu bạn thực hiện rút toàn bộ Ký quỹ về Tài khoản Chứng khoán thì tại ngày 01/12/2022, bạn sẽ không bị tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ nữa. Nếu trong tháng 12, bạn không phát sinh giao dịch Chứng khoán Ký quỹ nào nữa thì Phí Quản Tài sản Ký quỹ trong tháng 12 của bạn là 0.

Như vậy, vào cuối tháng, nếu bạn không muốn phát sinh số dư Ký quỹ trong tháng tiếp theo, bạn có thể đóng vị thế trong ngày mồng 1 đầu tháng và rút toàn bộ Ký quỹ về (với điều kiện không phát sinh lỗ). Ngoài ra, khi Nộp/rút tiền Ký quỹ, Nhà Đầu tư có thể phải nộp thêm phí cho công ty chứng khoán, thu hộ Ngân hàng, thường là 5.500 đồng/lần giáo dịch. Ở một số Công ty Chứng khoán, để hỗ trợ Khách hàng tránh phát sinh Phí Quản lý Tài sản ở tháng kế tiếp thì tại ngày làm việc cuối cùng của tháng hiện tại, Công ty Chứng khoán sẽ rút toàn bộ tiền Ký quỹ trên Tài khoản Ký quỹ của Khách hàng tại VSD về Tài khoản giao dịch Phái sinh nếu đáp ứng điều kiện mà Công ty đưa ra.

Trong ảnh: Bảng giá Giao dịch Chứng khoán Phái sinh trên Website Chứng khoán Mirae Asset – MAS (Link gốc ảnh)

Một số Lưu ý liên quan đến Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ:

* Để tránh mất nhiều Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ, trong trường hợp bạn đang chờ cơ hội Thị trường và chưa có nhu cầu giao dịch, bạn nên rút hết tiền trên Tài khoản Ký quỹ tại VSD về Tài khoản Phái sinh. Khi nào cần giao dịch thì bạn lại tiến hành Nộp lại, mặc dù có thể sẽ mất công và mất thêm Phí Nộp/Rút tiền Ký quỹ, nhưng bạn sẽ tiết kiệm được phần nào mức Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ phải nộp.
* Nếu đầu ngày bạn nộp tiền Ký quỹ và cuối ngày rút Ký quỹ về, số dư Tài khoản Ký quỹ cuối ngày = 0 thì sẽ không bị tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ. Vì VSD chỉ tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trên số dư tại cuối ngày, nên cuối ngày số dư = 0 thì phí = 0. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý rằng, 16h00 là hạn cuối trong ngày để Nhà đầu tư rút tiền ký quỹ về. Số tiền chưa được thực hiện rút thành công vẫn bị tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ.
* Nếu giao dịch phát sinh lỗ, dù đã đóng hết vị thế, cuối ngày không thể rút toàn bộ tiền trên Tài khoản Ký quỹ thì bạn vẫn phải trả Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ cho VSD. Ví dụ, bạn có 20 triệu trên tài khoản ký quỹ, bạn lỗ 2 triệu. Cuối ngày, số tiền tối đa bạn được phép rút về là 18 triệu. Như vậy, VSD vẫn tính Phí Quản lý Tài sản Ký quỹ trên 2 triệu không thể rút về đó. Như vậy, bạn cần phải Quản lý giao dịch và tài sản hợp lý để tránh phát sinh
lỗ tại ngày cuối tháng, từ đó phải chịu khoản Phí Quản lý không đáng có.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

3. Thuế trong Chứng khoán Phái sinh

Bên cạnh 4 loại Phí cơ bản ở trên thì khi tham gia đầu tư Phái sinh, bạn cũng cần phải Nộp thêm Thuế giao dịch Chứng khoán Phái sinh. Theo quy định của Luật đưa ra, khi giao dịch Hợp đồng Tương lai trên Thị trường Chứng khoán Phái sinh thì sẽ tính Thuế thu nhập Cá nhân và Thuế thu nhập Doanh nghiệp dành cho Tổ chức Nước ngoài theo tỷ lệ 0,1%. Với Nhà Đầu tư là tổ chức trong nước thì sẽ được tính theo Thuế thu nhập Doanh nghiệp. Khác với Chứng khoán Cơ sở chỉ đánh thuế vào chiều bán thì với Chứng khoán Phái sinh, Thuế sẽ tính cho cả 2 chiều Bán và Mua.

Cách tính: Thuế TNCN = Giá chuyển nhượng từng lần x 0,1%

Trong ảnh: Thuế Giao dịch Chứng khoán Phái sinh cho 1 HĐTL tại các thời điểm VN30 tăng từ 900 điểm lên 1.500 điểm với Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu tại VSD là 13% (Link gốc ảnh)

Trong đó:
• Giá chuyển nhượng từng lần = (Giá thanh toán HĐTL x Hệ số nhân HĐ x Số lượng Hợp đồng x Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu) /2
Tỷ lệ ký quỹ ban đầu tại VSD hiện tại: 13%
• Hệ số nhân: 100.000

Ví dụ: Bạn khớp lệnh mua 1 Hợp đồng VN30F2212 với giá 1.100 điểm. Như vậy, số Thuế mà bạn phải nộp là: 1.100 x 100.000 x 1 x 13%/2 x 0,1% = 7.150 đồng.

– Tăng Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu tại VSD: theo quy định mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì từ Ngày 15/12/2022, Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu của HĐTL Chỉ số VN30 tại VSD sẽ tăng từ 13 lên 17%. Đây là lần thứ 2 Tỷ lệ này được tăng lên, lần đầu tiên tăng lên là vào Ngày 18/07/2018 và từ 10% lên 13%. Với việc tăng này sẽ làm cho số Thuế phải trả tăng hơn 30%, nếu Chỉ số là 1100 điểm, thì thay vì Thuế là 7150 đồng / Hợp đồng sẽ tăng lên thành 9350 đồng / Hợp đồng.

—————————————————————

4. Kết luận về Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh

Như vậy, có thể thấy, khi tham gia giao dịch Chứng khoán Phái sinh, Nhà Đầu tư sẽ chịu 4 loại Phí cơ bản gồm Phí Giao dịch trả cho Công ty Chứng khoán, Phí Giao dịch trả cho HNX, Phí Dịch vụ trả cho VSD (gồm Phí Dịch vụ Quản lý vị thế và Phí Dịch vụ Quản lý Tài sản Ký quỹ). Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải nộp Thuế Thu nhập theo quy định áp dụng cho cả 2 chiều Bán và Mua Hợp đồng Tương lai.

Giả sử tính riêng cho 1 HĐTL bạn giao dịch, ta sẽ thấy được Mức Phí Thuế chiếm bao nhiêu so với số tiền bạn bỏ ra. Ví dụ: Bạn mua ( LONG ) 1 HĐTL ở mức giá giao dịch là 1.000 điểm. Ta có:
* Số tiền Ký quỹ ban đầu = 1000 x 1 x 100.000 x 13% = 13.000.000 VNĐ
* Phí Giao dịch trả cho Công ty Chứng khoán (ví dụ Công ty thu 1.000 VNĐ/HĐ) = 1×1.000 = 1.000 VNĐ
* Phí Giao dịch trả cho HNX = 1×2.700 = 2.700 VNĐ
* Thuế TNCN = 1.000 x 100.000 x 1 x 13%/2 x 0.1% = 6.500 VNĐ
=> Tổng Phí Thuế cho giao dịch 1 HĐTL là 1.000 + 2.700 + 6.500 = 10.200 đồng.

Trong ảnh: Phí Thuế Giao dịch cho 1 HĐTL tại 2 thời điểm VN30 – 1.000 điểm và VN30 – 1.200 điểm (Link gốc ảnh)

Nếu VN30 tăng lên 1.200 điểm và bạn quyết định Short HĐTL thì tổng Phí thuế của giao dịch bán này là 11.500 đồng. Như vậy Tổng Phí Thuế cho 1 vòng Mua bán là 10.200 + 11.500 =  21.700 đồng. Trường hợp bạn không đóng vị thế luôn trong ngày mà giữ vị thế qua đêm thì còn phải chịu thêm 2 loại Phí là
* Phí Dịch vụ Quản lý vị thế trả cho VSD: 2.550 VNĐ/HĐ/Ngày
* Phí Dịch vụ Quản lý Tài sản Ký quỹ trả cho VSD tối thiểu 100.000 VNĐ / tháng

Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Có thể thấy, các mức Phí và Thuế đối với giao dịch Chứng khoán Phái sinh tại Việt Nam được đánh giá khá cao, đây là điểm Nhà Đầu tư cần nên chú ý khi tham gia vào Thị trường này. Trên đây, mình đã phân tích cho các bạn nắm được rõ hơn về Các loại Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh ở Việt Nam hiện nay. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc và muốn được giải thích thêm thì có thể liên hệ mình theo Thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới, mình sẽ hỗ trợ cho bạn. 

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Các loại Phí và Thuế trong Chứng khoán
> Phí Lưu ký và Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán
> Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Cách tính Phí
> Cách tính Thuế Cổ tức Cổ phiếu và Cổ phiếu thưởng

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 12/2022)