Biên độ dao động và Giá trần sàn
Giới thiệu
Ở bài viết trước Giá Tham chiếu và Cách tính ta đã biết đến việc cứ Giá đóng cửa hôm nay với sàn HOSE, HNX hay Giá bình quân Gia quyền hôm nay với sàn UPCoM sẽ là Giá tham chiếu phiên tiếp theo. Còn bài viết tiếp theo đây sẽ giới thiệu khái niệm có liên quan khác là Biên độ dao động và Giá trần, Giá sàn. Và đây có thể xem bài viết này là 1 phần để bổ trợ và làm rõ hơn bài viết Cách xem Bảng giá Chứng khoán.
Ngoài ra, Bài viết này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:
+ Bước Giá Cổ phiếu tại sàn HOSE / HNX / UPCoM.
+ Biên độ Dao động Giá Cổ phiếu trên 3 sàn HOSE / HNX / UPCoM.
+ Giá trần, Giá sàn tại HOSE / HNX / UPCoM và Quy tắc làm tròn.
+ Mục đích chính Biên độ Dao động – Chống Tin đồn (Đọc thêm)
—————————————————————
Bước giá cổ phiếu tại HOSE, HNX và UPCoM
Theo quy định mới nhất của Luật thì cả 3 sàn có Bước giá cổ phiếu tuân theo quy tắc sau:
Theo quy định của Luật Chứng khoán thì 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM sẽ được phân chia bước giá cổ phiếu theo quy định như trên hình. Trong đó sàn HNX và UPCoM có chung quy định và khá đơn giản là tất cả đều chia hết cho bội số của 100 đồng (Hay 0.1 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem thấy). Bên sàn HOSE thì khá phức tạp hơn nhiều là được chia làm 3 vùng giá:
+ Với các vùng giá <10 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 10 đồng hay 0.01 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem.
+ Với các vùng giá từ 10 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 50 đồng hay 0.05 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem.
+ Với các vùng giá từ >50 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 100 đồng hay 0.1 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem. Ta có thể đối chiếu quy tắc trên như trong hình ảnh thực tế Bảng giá Chứng khoán sau:
Trong hình thì mình có treo lên 5 mã khá nổi tiếng là: FLC (FLC), BID (BIDV), HPG (Hòa Phát), MWG (Thế giới Di động) và VNM (Vinamilk) là đại diện của 3 vùng giá khác nhau đối với sàn HOSE. Ví dụ như các mũi tên đỏ trên hình chỉ vào mã cổ phiếu FLC thì có các lệnh đặt được xuất hiện trên bảng lần lượt là 7.18 – 7.19 – 7.2 – 7.21 – 7.22 – 7.23 (Ngàn đồng). Để ý thấy các bước giá đặt của FLC đều tuân theo đúng quy tắc các cổ phiếu giá < 10 (Ngàn đồng) là chia hết cho 0.01. Tương tự thì BID, HPG thuộc vùng giá từ 10 đến 50 (Ngàn đồng) nên sẽ chia hết cho 0.05 và MWG, VNM thuộc vùng giá > 50 (Ngàn đồng) nên sẽ chia hết cho 0.1. Trường hợp nếu bạn đặt không đúng quy tắc trên trong Tài khoản Giao dịch Online thì hệ thống của Công ty Chứng khoán sẽ tự động báo lỗi là bạn đặt chưa đúng.
Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Bước giá cổ phiếu tại HOSE, HNX và UPCoM” thì nghe thêm dưới đây:
—————————————————————
Biên độ dao động Giá cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM
Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện nay thì Việt Nam mình đang có 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM và biên độ dao động Giá của các sàn này lần lượt là 7%, 10% và 15%. Sàn càng minh bạch hơn thì biên độ dao động càng hẹp hơn. Biên độ dao động thể hiện % tối đa 1 ngày được phép dao động của Giá 1 cổ phiếu đang niêm yết trên sàn đó. Cụ thể như hình sau:
Trong ảnh trên thì ta có thể dễ dàng thấy biên độ dao động lần lượt là 7%, 10% và 15% với sàn HOSE, HNX và UPCoM. Riêng trường hợp đặc biệt là Phiên chào sàn – Phiên giao dịch đầu tiên lên sàn do tính chất trước đó không có Phiên trước đó nên không có Giá tham chiếu như cách thông thường là Giá đóng cửa Phiên liền trước (HOSE, HNX) hay Giá Bình quân Phiên liền trước (UPCoM) nên Giá tham chiếu sẽ là Giá tham chiếu lý thuyết (Do Công ty Chứng khoán tư vấn lên sàn lập luận trên cơ sở các Công ty cùng ngành đã lên trước đó và được Sở giao dịch Chứng khoán đồng ý). Do sợ rằng Giá tham chiếu lý thuyết được Công ty Chứng khoán tư vấn đưa ra có thể không chính xác lắm nên riêng Phiên đầu tiên này Biên độ sẽ rộng ra hơn so với bình thường khá nhiều và lần lượt là 20%, 30% và 40% đối với các sàn HOSE, HNX và UPCoM. Mục đích chính của việc rộng ra này nhằm cho phép Cung – Cầu Mua bán đi về được đúng Giá thị trường chính xác hơn. Chi tiết các Phương pháp Định giá Giá Tham chiếu lý thuyết này sẽ được mình trình bày trong 1 bài viết khác cụ thể hơn.
Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Biên độ dao động Giá cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM” thì nghe thêm dưới đây:
—————————————————————
Giá trần, Giá sàn tại HOSE, HNX, UPCoM và quy tắc tính làm tròn
– Theo quy định hiện nay thì Giá trần = Giá tham chiếu x (1 + Biên độ dao động) và Giá sàn = Giá tham chiếu x (1 – Biên độ dao động). Và trong 1 ngày thì Giá cổ phiếu chỉ được phép giao dịch nằm trong vùng từ Giá sàn lên đến Giá trần. Ví dụ: Giá tham chiếu là 10.000 đồng và mã cổ phiếu này đang niêm yết ở HOSE tức biên độ dao động là 7% thì Giá trần của mã này sẽ là 10.000 x (1+7%) = 10.700 đồng và Giá sàn của mã này sẽ là 10.000 x (1-7%) = 9.300 đồng. Và theo quy định thì vùng giá bạn được phép đặt lệnh chỉ nằm trong vùng từ 9.300 đồng đến 10.700 đồng. Nếu bạn nhập vào hệ thống mua 10.900 đồng chả hạn là hệ thống sẽ báo lỗi không cho đặt.
– Quy tắc làm tròn số xuống khi tính Biên độ dao động và Giá trần, Giá sàn: theo quy định của Luật Chứng khoán thì biên độ lần lượt là 7%, 10% và 15% với cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM. Tuy nhiên trong thực tế nảy sinh ra 1 vấn đề là khi nhân với 7% hay 10% hay 15% thì đa phần là sẽ phát sinh số lẻ phía sau. Bây giờ cần phải xử lí và làm rõ vấn đề này. Ta có hình thực tế như sau:
Trong hình ảnh trên là Bảng giá Chứng khoán tại sàn HOSE Phiên giao dịch ngày 07/08/2017 và Mã Chứng khoán BID của Ngân hàng BIDV được treo lên để dễ nhìn. Ta dễ thấy ở mũi tên bên trái ngoài cùng là chỉ về cột “TC” tức là cột Giá tham chiếu là 22.4 (Hay 22.400 đồng nếu viết đầy đủ). Bây giờ ta sẽ làm rõ cách tính để tính ra Giá trần và Giá sàn ở 2 cột bên cạnh với 2 mũi tên đỏ kế bên. Ta có Giá tham chiếu của BIDV là 22.400 đồng, do ở sàn HOSE nên biên độ là 7% khi đó Giá trị của Biên độ sẽ là: 22.400 đồng x 7% = 1.568 đồng. Đây là 1 Giá trị Biên độ rất lẻ. Do giá cổ phiếu của BID đang nằm trong vùng giá từ 10 – 50 ngàn đồng nên bước giá vùng này như trình bày ở phần đầu của bài là 50 đồng 1 lần nhảy giá và 2 giá trị sát nhất liền trước và liền sau của Giá trị Biên độ này 1.568 đồng sẽ là vùng giá của 1.550 đồng và 1.600 đồng. Tuy nhiên theo quy định của Luật thì Giá trị Biên độ đó không được vượt quá Biên độ (7% với sàn HOSE) nên luôn phải làm tròn xuống là 1.550 đồng. Khi đó giá trị tối đa thực của Biên độ Dao động trong ngày 07/08/2017 của BID sẽ là: 1.550 đồng / 22.400 đồng = 6,92% và Giá trần BID khi đó là 22.400 đồng + 1.550 đồng = 23.950 đồng – Giá sàn BID khi đó là 22.400 đồng – 1.550 đồng = 20.850 đồng. Bạn có thể so sánh kết quả trên với hình ảnh ở trên.
– Tại sao không làm tròn lên mà lại cứ phải làm tròn xuống? Vẫn ví dụ trên, bây giờ thay vì là 1.550 đồng ta chọn là 1.600 đồng. Khi đó giá trị tối đa thực của Biên độ Dao động trong ngày 07/08/2017 của BID sẽ là: 1.600 đồng / 22.400 đồng = 7,14% và tất nhiên là đã vượt qua con số 7% và điều này là không được. Một số ví dụ khác ở các vùng giá ở sàn HOSE để bạn được rõ hơn:
+ Mã FLC (FLC): Giá tham chiếu là 7.200 đồng. Giá trị biên độ: 7.200 x 7% = 504 đồng. Do giá 7.200 < 10.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 10 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 500 đồng. Giá trần sẽ là: 7.200 + 500 = 7.700 đồng. Giá sàn sẽ là: 7.200 – 500 = 7.200 đồng.
+ Mã HPG (Hòa Phát): Giá tham chiếu là 32.000 đồng. Giá trị biên độ: 32.000 x 7% = 2.240 đồng. Do giá 32.000 < 50.000 đồng nhưng lại lớn hơn >10.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 50 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 2.200 đồng. Giá trần sẽ là: 32.000 + 2.200 = 34.200 đồng. Giá sàn sẽ là: 32.000 – 2.200 = 29.800 đồng.
+ Mã MWG (Thế giới Di động): Giá tham chiếu là 106.500 đồng. Giá trị biên độ: 106.500 x 7% = 7.455 đồng. Do giá 106.500 > 50.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 100 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 7.400 đồng. Giá trần sẽ là: 106.500 + 7.400 = 113.900 đồng. Giá sàn sẽ là: 106.500 – 7.400 = 99.100 đồng.
+ Mã VNM (Vinamilk): Giá tham chiếu là 154.000 đồng. Giá trị biên độ: 154.000 x 7% = 10.780 đồng. Do giá 154.000 > 50.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 100 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 10.700 đồng. Giá trần sẽ là: 154.000 + 10.700 = 164.700 đồng. Giá sàn sẽ là: 154.000 – 10.700 = 143.300 đồng.
Với các mã ở sàn HNX và UPCoM thì đơn giản hơn, không cần phân biệt vùng giá, vì mọi bước nhảy luôn là 100 đồng 1 lần. Chỉ khác thêm chút là biên độ tối đa lớn hơn 10% và 15%. Bạn có thể tự tính toán để có kết quả tương tự tại sàn HNX như hình sau:
– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Giá trần, Giá sàn tại HOSE, HNX, UPCoM và quy tắc tính làm tròn” thì nghe thêm dưới đây:
—————————————————————
Mục đích chính của Biên độ dao động – Chống tin đồn (Phần đọc thêm)
Khi nghiên cứu và tham khảo sự vận hành của 1 số Thị trường trên Thế giới thì mình phát hiện ra là Biên độ dao động tại các nước là không giống nhau và thậm chí là rất khác nhau. Nếu như sàn chính của Việt Nam mình là 7%, thì của Trung Quốc là 10%, của Nhật là 30% và … Mỹ là không có biên độ. Vậy tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Đặc biệt là các nước không có biên độ như Mỹ (Tức là chỉ có giá Đóng cửa, Giá Tham chiếu và không có giá Trần sàn).
– Chống tin đồn kiểu Mỹ – Luật pháp và sự tuân thủ: từ lâu chúng ta đã biết Mỹ là 1 quốc gia có sự dân chủ và minh bạch cao về Luật pháp nên các hiện tượng như phao tin đồn để trục lợi, làm giá cổ phiếu, giao dịch nội gián, … đều bị khép vào tội hình sự phạt tù nhiều năm. Việc hình sự hóa ở mức độ cao và sự nghiêm túc trong việc thực thi các Điều luật này đã giúp củng cố và giảm thiểu 1 cách đáng kể các hiện tượng tiêu cực trên Thị trường Chứng khoán như đã kể trên. Và đấy chính là điều kiện cần thiết để không cần phải có Biên độ Chứng khoán giới hạn trong 1 ngày. Chính sự minh bạch và tuân thủ rất cao nói trên qua đó giúp dòng vốn chảy vào Thị trường Chứng khoán Mỹ luôn ở mức cao và hỗ trợ tốt cho nền kinh tế phát triển.
– Chống tin đồn kiểu Châu Á (Việt Nam đang áp dụng) – Biên độ dao động: Châu Á và nhất là Việt Nam vốn là các quốc gia đi sau trong việc phát triển Thị trường Chứng khoán để huy động vốn giúp nền kinh tế phát triển. Chính vì sự đi sau nên về cơ bản nhận thức chung của dân chúng về chứng khoán là rất thấp, có rất ít số người có thể định giá được tương đối chính xác Giá trị của 1 Công ty để qua đó không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Giá cả trên Thị trường Chứng khoán, vốn là tiền đề để các tin đồn, thao túng giá, … lan rộng. Mặt khác việc hình sự hóa các điều Luật và tuân thủ cũng không mạnh mẽ như ở Mỹ nên cũng góp phần ảnh hưởng thêm (Việt Nam việc thao túng giá chỉ bị phạt vài trăm triệu đồng – Rất nhẹ so với những người có tiền – ví dụ như bài viết sau Mở 42 Tài khoản thao túng giá cổ phiếu HNG, một cá nhân bị phạt kỷ lục 600 triệu đồng). Cách chống phổ biến được áp dụng ở đây là Biên độ dao động ví dụ như Việt Nam là 7%, tức là tối đa 1 ngày chỉ mất đến 7% (Thay vì có thể bị đến 30-40% nếu tự do) và do đó các nhà đầu tư trong ngày hôm đó có thể … “tạm bình tĩnh” để xem cuối ngày truyền thông nhà nước có đính chính hay không?
Trong hình ảnh kể trên thì 1 tin đồn lớn đã xảy ra là tin đồn cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV – Trần Bắc Hà bị bắt. Vụ việc đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên Thị trường Chứng khoán, tính chung trong Phiên giao dịch ngày 09/08/2017 thì VN-Index đã mất gần 18 điểm (Rất hiếm), giá trị ước tính mất trong phiên là khoảng 2 tỷ USD. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đi dự Ngày giao dịch đầu tiên của Chứng khoán Phái sinh ngày hôm sau – Ngày 10/08/2017 đã phải lên tiến trấn an Thị trường. Bạn có thể thêm tại Bài viết Phó thủ tướng: Nhà đầu tư chứng khoán hãy bình tĩnh, tin tưởng. Vụ việc nói trên nếu như không có biên độ dao động cản lại thì mức độ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tâm điểm của Thị trường trong Phiên đó là mã BID của Ngân hàng hàng đầu BIDV đã khớp 9,6 triệu cổ – tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Kết thúc Phiên vẫn còn rất nhiều Nhà đầu tư tranh nhau bán sàn mà chưa bán được. Vụ việc thể hiện 1 tình trạng hoảng loạn ở mức độ cao và cần thời gian, sự đính chính của nhà nước thì Thị trường chung mới trấn tĩnh lại được. Xem thêm hình ảnh Lịch sử Giao dịch BID (BIDV).
– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Mục đích chính của Biên độ dao động – Chống tin đồn” thì nghe thêm dưới đây:
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online
> Cách Khớp lệnh Phiên Định kỳ Chứng khoán
> Giá Tham chiếu và Cách tính
> Các loại Lệnh Đặt trong Chứng khoán – LO ATO ATC MP MTL MOK MAK PLO
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán / Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————