Phân tích cơ bản và cách lựa chọn cổ phiếu

Giới thiệu

Sau khi nắm được cơ bản Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online và  Xem tra cứu Thông tin Chứng khoán Ở đâu Tốt nhất? để phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích thì đã có khá nhiều người hỏi mình là thế trong vài trăm cổ phiếu đang niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX thì chọn cổ phiếu thế nào? Dưới đây mình xin bắt đầu viết về chủ đề khá “lớn” này, và có lẽ phải viết thành nhiều lần mới tạm gọi là hết ý “chính” được. Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản và biết cách Phân tích Cổ phiếu

Gợi mở

Trước khi tiến vào việc phân tích chính, mình xin gợi mở bằng 1 bài toán lựa chọn đầu tư nho nhỏ đã từng ví dụ qua chat với nhiều bạn có câu hỏi về nội dung này. Giả sử bạn có 1 tỷ đồng, do cũng có kiến thức về quán cafe, nên dự kiến là bạn sẽ đầu tư vào việc này. Ở đây, có 2 phương án để lựa chọn.

Lựa chọn đầu tư là 1 quá trình khó khăn trước sự cân nhắc cơ hội này với cơ hội kia (Link gốc ảnh)

Phương án 1: đầu tư mới toanh 1 quán cafe từ đầu đến cuối, và giả sử rằng do là quán cafe mới toanh, nên năm đầu chỉ đạt được mức tỷ suất lợi nhuận là 8%, hay nôm na là sau 1 năm thì lời được 80 triệu đồng.

Phương án 2: không đầu tư mới từ đầu, mà cất công đi tìm các quán cafe khác đã mở lâu rồi, tuy nhiên do tình hình tài chính, chủ quán cafe đó muốn nhượng lại để có tiền đáp ứng nhu cầu cá nhân (Nhu cầu gì thì mình không đi sâu ở đây). Biết rằng, khi xưa chủ quán cafe này cách đây 2 năm cũng đầu tư 1 tỷ đồng vốn gốc ban đầu, do hoạt động cũng có thời gian và cũng tạm ổn, nguồn khách ổn định hơn so với dựng lại từ đầu nên mức tỷ suất lợi nhuận là … 20%, hay nôm na là sau 1 năm thì lời được 200 triệu đồng. Tuy nhiên , vì một số ưu điểm trên nên trong quá trình bàn bạc thỏa thuận nhượng quán, chủ của quán cafe đó có đưa ra mức nhượng lại toàn bộ quán là 1,2 tỷ đồng (cao hơn 20% so với gốc đầu tư) và do còn thiếu tiền so với vốn bạn có nên để bổ sung vốn còn thiếu 200 triệu đồng thì bạn có thể vay thêm người nhà, hoặc huy động cổ phần thêm với người khác (bạn vẫn nắm quyền chi phối).

Lưu ý rằng, ở đây đang xét đến góc độ mình là nhà đầu tư tức là thông số đưa ra ban đầu là cố định, chứ không như 1 số bạn có nói là em sửa cửa hàng theo ý này, … để cho quán có nhiều khách hơn, doanh thu tốt hơn, … Xin nói lại rằng chúng ta đang xét ở khía cạnh đầu tư, chứ không phải kinh doanh như muốn hướng đến. Cái này nó giống như việc bạn có 100 triệu đồng đầu tư vào Công ty A, mà Công ty A có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, điều đó nói lên là bạn chả có tiếng nói gì ở đó cả, quá bé để trở thành cổ đông lớn (5% vốn điều lệ) hay ứng cử được vào Hội đồng quản trị để có tiếng nói tác động vào kinh doanh của Doanh nghiệp. Cái cần nhấn mạnh ở đây là chúng ta đang tính tới khía cạnh đầu tư và không có yếu tố kinh doanh, tức là doanh nghiệp đưa ra thông số như thế, thông tin như thế, vậy của chúng ta cần phân tích là đánh giá tình hình chung, rồi của doanh nghiệp để đưa đến quyết định có nên đầu tư vào Công ty A hay không?Hay tại sao chọn đầu tư vào Công ty A mà không đầu tư vào Công B?Lý do gì dẫn đến điều đó ở đây?

Cuối cùng, 2 phương án trên, bạn chọn phương án nào và cho biết lí do tại sao lại chọn phương án đó, nêu con số cụ thể chứng minh việc đó. Trước khi trả lời, mình xin bàn tới 1 vài khái niệm chính liên quan tới toàn bộ bài phân tích này.

—————————————————————

Một số khái niệm cơ bản trong đầu tư chứng khoán

Đã là đầu tư thì phải tính tới sau 1 khoảng thời gian nhất định thì lợi nhuận mang lại là bao nhiêu, cái nào tốt hơn thì chọn cái đó. Vì tiền là có giới hạn, nên không thể có chuyện dễ dài đầu tư vào lĩnh vực mà chưa đủ hiểu biết về nó. Một số khái niệm chính và lý giải:

– EPS: là 3 cái chữ cái đầu trong tiếng Anh của từ Earning Per Share tức là thu nhập trên mỗi đồng cổ phiếu. Đây là 1 thông số rất quan trọng, được ứng dụng mạnh mẽ vào phân tích tài chính trong thực tiễn, nó nói lên hiệu suất lợi nhuận của Doanh nghiệp tính trên 1 đầu cổ phiếu. Ở Việt Nam, hễ lên sàn niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán, thì theo Luật Chứng khoán, mệnh giá 01 cổ phiếu luôn phải là 10.000 đồng, điều đó tức là 1 Công ty A có vốn điều lệ thực góp là 100 tỷ đồng, thì công ty A đó sẽ có 10 triệu cổ phiếu, mệnh giá là 10.000 đồng. Và nếu Công ty đó sau 1 năm làm ăn kinh doanh, lãi 25% tức là 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì ta nói EPS của nó là 2.500 đồng, dịch lại là 1 cổ phiếu A mệnh giá 10.000 khi nắm giữ thì năm vừa rồi nó sinh lãi là 2.500 đồng (Theo cách gọi học thuật trong nghành chứng khoán là vậy, còn cứ gọi nôm na theo miệng là 25% cũng vẫn được).

Chúng ta có thể theo dõi qua bảng tóm tắt chi tiết sau tại đây, đây là bảng được lập dựa trên báo cáo tài chính quý 4/2012 vừa được công bố chủ yếu trong tháng 1 – 2/2013 trên 2 Sở giao dịch Chứng khoán. Lấy ví dụ:

Trong ảnh: Bảng Tổng hợp các thông số Tài chính cơ bản các Công ty đang Niêm yết như Vốn Điều lệ, EPS, P/E, … (Link gốc ảnh)

Vào ngày 07/02/2013, Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PV South Gas) (Mã Chứng khoán: PGS) đã có công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2012 trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong đó có thông tin cơ bản như sau vốn điều lệ của PGS là 380 tỷ đồng, lãi sau thuế trong quý 4/2012 là 58,516 tỷ đồng hay hay tỉ suất lãi sau thuế / vốn điều lệ là 15,40% hay EPS là 1.539,9 đồng. Còn cả năm 2012 (Hợp nhất chưa kiểm toán) là 147,28 tỷ đồng hay tỉ suất lãi sau thuế / vốn điều lệ 38,76% hay EPS là 3.875,8 đồng. Một cách tương tự ta có thể tìm các mã khác bao gồm cả các mã mình đã điền trên bảng tóm tắt chi tiết đó lẫn các mã chưa điền (các mã được điền là các mã có đủ thanh khoản), cách lấy thông tin bạn có thể lấy từ báo cáo tài chính quý 4/2012 trên Sở giao dịch qua bài viết Xem tra cứu thông tin Chứng khoán ở đâu tốt nhất?. Khi đã tải được Báo cáo Tài chính quý 4/2012 của PGS như tại đây thì trong đó sẽ kiểm tra thông tin của EPS như sau:

Trích Trang thứ 2 – Báo cáo tài chính hợp nhất Q4/2012 – PGS_HNX (Phần Nguồn vốn chủ sở hữu – Bảng cân đối kế toán) (Link gốc ảnh)

Trích Trang thứ 3 – Báo cáo tài chính hợp nhất Q4/2012 – PGS_HNX (Phần Báo cáo Kết quả kinh doanh) (Link gốc ảnh)

EPS điều chỉnh: trong ví dụ nói trên với PGS là trường hợp “lí tưởng” tức là trong năm doanh nghiệp không hề bị điều chỉnh và chỉ việc áp công thức vào là tính ra kết quả (khá dễ dàng), trường hợp đơn giản đó gọi là EPS cơ bản. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy, nhất là với các doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán. Cụ thể là trong các lí do chính khi niêm yết thì việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán là lí do cực kỳ quan trọng, đôi khi là quan trọng nhất, động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện niêm yết. Như vậy chúng ta sẽ bắt gặp tình trạng khi xem báo cáo tài chính là đầu năm Công ty A vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng cuối năm vốn điều lệ đã là 200 tỷ đồng, với lãi sau thuế là 30 tỷ đồng thì ta không thể nói là lãi 30% (dựa trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng) hay 15% (Dựa trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng) được (ứng với vốn điều lệ từng trường hợp EPS cơ bản là 3.000 đồng hay 1.500 đồng). Một cách thông thường ta cũng dễ nhận thấy rằng % sẽ nằm trong khoảng 15 – 30% kia hay EPS điều chỉnh sẽ nằm trong khoảng 1.500 – 3.000 đồng. Như vậy công việc của chúng ta ở đây là cần loại bỏ yếu tố gây “nhiễu” để có tính toán 1 cách chính xác “sức” kinh doanh của Công ty. Ở đây để dễ tính, mình giả sử 9 tháng đầu năm (cách tính quy về tháng cho đơn giản, còn trong Bảng tóm tắt chi tiết mình tính theo ngày, năm 2012 có 366 ngày) Công ty A có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, và 3 tháng cuối năm là 200 tỷ đồng sau khi tăng vốn điều lệ (bằng hình thức chào bán riêng lẻ, chào bán cho đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên, cổ tức cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, trái phiếu chuyển đổi, mua bán sáp nhập, …). Như vậy vốn điều lệ bình quân làm cơ sở tính toán sẽ là (100 x 9 + 200 x 3) / 12 = 125 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ bình quân là (30 / 125) x 100% = 24% hay EPS điều chỉnh là 2.400 đồng.

Như vậy, trong ví dụ trên đây yếu tố điều chỉnh được tính đến là do tăng vốn điều lệ, tuy nhiên trong thực tế còn một trường hợp khác nữa rất hay phát sinh đó cổ phiếu quỹ, bản chất của nó là Công ty đã mua lại chính cổ phiếu của mình hay “tự tạm giảm vốn điều lệ thực” với các lí do khác nhau như thông báo mới nhất như tại đây.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Xem tra cứu thông tin Chứng khoán ở đâu tốt nhất?

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Còn tiếp – Tháng 3/2013)