Chứng khoán Phái sinh là gì? Nguồn gốc, Đặc điểm và Ví dụ
Giới thiệu
Bên cạnh những loại Chứng khoán Cơ sở mình đã giới thiệu trong các Bài viết trước thì trong Chứng khoán còn có thêm hình thức Chứng khoán Phái sinh. Đây được xem là công cụ tài chính mới xuất hiện vài năm gần đây và ngày càng có ảnh hưởng nhất trên Thị trường Chứng khoán. Vậy Khái niệm Chứng khoán Phái sinh là gì? Phòng vệ bằng Chứng khoán Phái sinh là như thế nào? và Tại sao các phiên đáo hạn Chứng khoán Phái sinh thì Chứng khoán Cơ sở lại hay biến động mạnh? … Chúng ta cùng theo dõi nào Bài viết sau để tổng hợp các vấn đề thắc mắc trên. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:
+ Gợi mở và Ví dụ về Nguồn gốc ra đời của Phái sinh.
+ Khái niệm Chứng khoán Phái sinh là gì? Đặc điểm của Chứng khoán Phái sinh.
+ Một số điểm đặc biệt của Chứng khoán Phái sinh so với Cơ sở.
+ Ứng dụng của Phái sinh trong thực tế Giao dịch – Phòng vệ.
—————————————————————
1. Gợi Mở và Ví dụ về Nguồn gốc của Phái sinh
– Gợi Mở: Đối với phần đông Nhà đầu tư trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam thì thường họ hay Đầu tư vào Thị trường Cổ phiếu đã tồn tại từ khá lâu (Từ năm 2000). Tuy nhiên từ Tháng 8/2017 thì Chứng khoán Việt nam đã xuất hiện thêm một sản phẩm mới là Chứng khoán Phái sinh. Ban đầu thì thị trường này khá nhỏ và không được quan tâm nhiều, cũng một phần nữa khi tìm hiểu sẽ được nghe một số ý kiến trái chiều là đây giống như hình thức “đánh bạc” hơn. Vậy làm thế nào mà Nhà nước Việt Nam lại đi tổ chức một “xới bạc” giống như nhiều nơi trên Thế giới hay là Thị trường này còn có một mục đích tốt đẹp gì khác?
Từ đầu năm 2018, sau khi Thị trường Cổ phiếu (từ đây mình gọi tắt là Thị trường Cơ sở để phân biệt với Thị trường Phái sinh) giảm khá mạnh với Chỉ số VN-Index từ 1200 điểm về 900 điểm thì dòng người đến tìm hiểu và tham gia Chứng khoán Phái sinh tăng đột biến từ đó. Một điểm đặc biệt là thỉnh thoảng vào các ngày đáo hạn nhất định của Phái sinh thì Thị trường Cơ sở lại biến động rất mạnh. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Thực tế này khiến cho rất nhiều người chỉ tập trung Chứng khoán Cơ sở cũng thắc mắc là Phái sinh là gì và vì sao nó lại ảnh hưởng sang Thị trường bên này của mình.
– Ví dụ về Nguồn gốc ra đời Phái sinh: trong thực tế thì Phái sinh đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới và cũng không phải ứng dụng mỗi trong Chứng khoán. Ứng dụng được ghi nhận lớn nhất lại là bên Tỷ giá, Lãi suất và Giá hàng hóa. Chúng ta cũng theo dõi Ví dụ mô phỏng về ứng dụng trong thực tế của Hợp đồng Tương lai (Loại Phái sinh phổ biến và đơn giản nhất) ngay dưới đây để hiểu hơn Chứng khoán Phái sinh là gì?.
Ví dụ: Một Doanh nghiệp chuyên về Nông sản và trồng một loại Cafe ở Tây Nguyên, Việt Nam. Giờ là Tháng 4/2023 và họ giả định rằng 6 tháng sau là Tháng 10/2023 thì họ sẽ thu hoạch được 5.000 tấn Cafe Rubusta. Hiện tại giá đang là 2.000 USD / tấn và họ rất hài lòng với Giá này với hi vọng là khi đến thời hạn Tháng 10/2023 thì không xảy ra tình trạng “Được mùa mất giá”. Giả định thực tế đến lúc đó xảy ra đúng lo ngại của họ là … Giá Cafe loại này chỉ còn 1.500 USD / tấn thì chắc chắn họ sẽ lỗ và cả mua vụ vất vả mà không mang lại kết quả, không đảm bảo được đời sống của người lao động trong Doanh nghiệp.
Lúc này, tại London có Sở Giao dịch Hàng hóa và cho phép thực hiện được mong muốn kia của Doanh nghiệp này. Tháng 10/2023 kiểu gì cũng bán được giá 2.000 USD / tấn, tức là chốt Bán trong Tương lai với Giá hiện tại. Doanh nghiệp nếu tham gia vào loại này được gọi là Hợp đồng Tương lai.
+ Nếu Tháng 10/2023 – Giá là 1.500 USD / tấn: thì Doanh nghiệp này vẫn bán được giá 2.000 USD / tấn và thực sự tránh được vụ sụt giá mạnh trong vài tháng đó, qua đó bảo vệ được lợi nhuận kinh doanh kỳ vọng. Lúc này ta nói Hợp đồng Tương lai có tính chất bảo hiểm cho Tài sản gốc.
+ Nếu Tháng 10/2023 – Giá là 2.500 USD / tấn: thì Doanh nghiệp vẫn phải bán giá 2.000 USD / tấn và trường hợp lần này thì Công ty đã bị thiệt hại mất 500 USD / tấn do phải bán rẻ hơn Thị trường do phải thực hiện đúng các cam kết đã “chốt” ở Hợp đồng Tương lai đã làm trước đó.
Nhưng đã là Thị trường thì không ai dám “chắc chắn 100%” do đó thay vì có lúc lỗ nặng hoặc Lãi to thì nếu Doanh nghiệp dùng đúng thì vẫn luôn thu được Lãi kinh doanh của Ngành của mình, bỏ qua được sự biến động quá lớn của Giá hàng hóa, qua đó đảm bảo Sản xuất Kinh doanh ổn định lâu dài và phát triển Doanh nghiệp Tốt. Nên trong trường hợp này, dùng đúng và liên kết với Tài sản Cơ sở gốc thì gọi là Bảo hiểm và nếu dùng sai không có Tài sản gốc, chỉ “đánh cá” xu hướng lên xuống của Tài sản thì là đang Đầu cơ hay gọi theo hướng xấu là “Cờ bạc”. Như vậy, Phái sinh không xấu, chỉ là góc độ tiếp cận về Thị trường và nếu dùng đúng thì đây là công cụ bảo hiểm tuyệt với cho Sản xuất Kinh doanh trong cuộc sống.
—————————————————————
2. Khái niệm Chứng khoán Phái sinh là gì? Đặc điểm của Chứng khoán Phái sinh
– Giới thiệu Khái niệm Chứng khoán Phái sinh: Theo Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định về khái niệm Chứng khoán Phái sinh như sau: “Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai”.
Như vậy, ta có thể hiểu Chứng khoán Phái sinh sẽ tồn tại dưới dạng Hợp đồng mà trong đó giá trị của Chứng khoán Phái sinh phụ thuộc vào giá trị của Tài sản Cơ sở Gốc. Tài sản cơ sở của Chứng khoán Phái sinh được quy định có thể là Cổ phiếu, Trái phiếu hay các Chỉ số Chứng khoán,… Hiểu một cách đơn giản hơn, các sản phẩm Chứng khoán Phái sinh cho phép Nhà Đầu tư kỳ vọng vào sự “tăng” hoặc “giảm” của Tài sản Cơ sở trong tương lai. Nếu sự thay đổi đó diễn ra đúng như dự đoán thì Nhà Đầu tư sẽ có lời và ngược lại. Do đó, Chứng khoán Phái sinh không có vai trò tạo vốn cho nền kinh tế như bên Cơ sở nhưng nó làm cho Thị trường Chứng khoán cơ sở trở nên sôi động, làm tăng thêm tính hấp dẫn cho các loại Chứng khoán gốc phát sinh ra nó.
– Lịch sử Chứng khoán Phái sinh Việt Nam: mặc dù Phái sinh đã có trên thế giới từ rất lâu thì Chứng khoán Phái sinh ở Việt Nam mới có Việt Nam từ 2017 với phiên giao dịch đầu tiên là Ngày 10/08/2017. Trong Phái sinh có 3 loại phổ biến nhất là: Hợp đồng Tương lai, Hợp đồng Quyền chọn và Hợp đồng Hoán đổi thì Việt Nam mới chỉ áp dụng loại đơn giản nhất là Hợp đồng Tương lai với Tài sản Cơ sở cũng đơn giản dễ hiểu nhất là Chỉ số VN30 và Trái phiếu Chính phủ. Trong đó thứ mà các Nhà đầu tư cá nhân quan tâm nhiều nhất gắn với Thị trường Cổ phiếu là Chỉ số VN30 với Mã Chứng khoán có dạng VN30FYYMM (F là Future – Hợp đồng Tương lai, YY là năm ví dụ hiện là năm 2023 thì là 23, MM là Tháng hiện là tháng 04 thì là 04 – VN30F2304 – Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30 có tháng đáo hạn là Tháng 4/2023). Và trong bài viết này mình sẽ tập trung giới thiệu về sản phẩm này – Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30 vốn là thứ được cộng đồng Nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Xem thêm: Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).
– Đặc điểm của Chứng khoán Phái sinh – Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30: chúng ta cùng theo dõi một số đặc điểm căn cứ vào Mẫu Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30 được công bố trên Web của HNX để hiểu hơn Chứng khoán Phái sinh là gì? như sau:
+ Tên Hợp đồng: Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30.
+ Mã Chứng khoán: VN30FYYMM với VN30 là Chỉ số gốc Tài sản Cơ sở; F là Future – Hợp đồng Tương lai; YY là Năm (23 nếu là năm 2023, 22 nếu là năm 2022) và MM là Tháng (04 nếu là Tháng 04, 05 nếu là Tháng 5).
+ Tài sản Cơ sở: Chỉ số VN30 (Tạm thời mới chỉ có Chỉ số VN30 và Trái phiếu Chính phủ 5 năm, chưa có Cổ phiếu cụ thể).
+ Hệ số nhân: 100.000 đồng (Cái này theo Luật quy chuẩn).
+ Quy mô Hợp đồng: 100.000 đồng x điểm số VN30. Tức là 1 điểm là 100 ngàn đồng và ví dụ như nay VN30 đang có giá trị là 1.080 điểm thì 1 Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30 sẽ có giá trị là 108 triệu đồng.
+ Phương thức Giao dịch: Phương thức khớp lệnh và Phương thức thỏa thuận (Tương tự như bên Chứng khoán Cơ sở).
+ Tháng đáo hạn: theo quy định hiện tại thì VN30F luôn có 4 tháng là Tháng hiện tại, Tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 Quý kế tiếp. Ví dụ hiện tại là Tháng 4/2023 thì Tháng hiện tại là Tháng 4/2023; Tháng kế tiếp là Tháng 5/2023; Tháng cuối quý là Tháng 6/2023 và Tháng cuối quý tiếp là Tháng 9/2023. Một trường hợp khác nếu hiện tại là Tháng 5/2023 thì Tháng hiện tại là Tháng 5/2023; Tháng kế tiếp là Tháng 6/2023; Tháng cuối quý là Tháng 9/2023 và Tháng cuối quý tiếp là Tháng 12/2023.
+ Thời gian Giao dịch: mở cửa trước Thị trường Cơ sở HOSE 15 phút đóng cửa cùng. Như vậy thời gian giao dịch của VN30F sẽ là: Sáng 8h45 – 11h30 và chiều 13h – 14h45. Trong đó 15 phút đầu 8h45 – 9h là Phiên Định kỳ Mở cửa ATO và 15 phút cuối 14h30 – 14h45 là Phiên Định kỳ Đóng cửa ATC, thời gian còn lại là Phiên Giao dịch liên tục như thông thường.
+ Bước giá / Đơn vị yết giá: 0,1 điểm số. Ta sẽ thấy VN30F Phái sinh nhảy theo bội số của 0,1 như 1082,1 điểm; 1082,2 điểm; 1082,3 điểm; … Và khác với bên Cơ sở là Chỉ số VN30 nhảy 0,01 điểm số.
+ Đơn vị Giao dịch: 1 Hợp đồng. Khi giao dịch thì bội số của 1 Hợp đồng như 2 hay 5 Hợp đồng … và không có kiểu 2,5 hợp đồng.
+ Giá tham chiếu: Giá đóng cửa Phiên liền trước tương tự như sàn HOSE – Cơ sở hoặc Giá lý thuyết nếu là Hợp đồng tháng mới lần đầu (Sẽ trình bày sau).
+ Biên độ dao động: cũng +/- 7% so với giá tham chiếu tương tự như Sàn HOSE – Cơ sở. Ví dụ: như Ngày 06/04/2023 giá tham chiếu là VN30F2304 là 1084,1 điểm thì 7% là 75,887 điểm hay làm tròn xuống là 75,8 điểm. Ta có Giá trần: 1084,1 + 75,8 = 1159,9 điểm và Giá sàn: 1084,1 – 75.8 = 1008,3 điểm.
+ Giới hạn lệnh: 500 Hợp đồng / lệnh.
+ Giới hạn Vị thế: Cá nhân là 5.000 Hợp đồng, Nhà đầu tư Tổ chức là 5.000 Hợp đồng và Nhà đầu tư Chứng khoán chuyên nghiệp là 2.000 Hợp đồng.
+ Ngày Đáo hạn – Ngày giao dịch cuối cùng: Ngày Thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó. Ví dụ trong Tháng 4/2023 thì Thứ Năm của Tuần đầu tiên là 06/04/2023, Thứ Năm của Tuần thứ hai là 13/04/2023 và Thứ Năm của Tuấn thứ ba là 20/04/2023 chính là Ngày Đáo hạn của Mã VN30F2304. Một cách tương tự ta có Thứ Năm các Tuần 1, 2, 3 của Tháng 5/2023 lần lượt là 04/05/2023, 11/05/2023, 18/05/2023 và Ngày Đáo hạn chính là Ngày 18/05/2023 của Mã VN30F2305.
+ Ngày thanh toán cuối cùng: Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng. Ví dụ như Tháng 4/2023 có Ngày Đáo hạn là Ngày 20/04/2023 thì Ngày Thanh toán cuối cùng là Ngày 21/04/2023 và Tháng 5/2023 có Ngày Đáo hạn là Ngày 18/05/2023 thì Ngày Thanh toán cuối cùng là Ngày 19/04/2023.
+ Phương thức Thanh toán: Thanh toán bằng tiền. Tức là phần chêch lệch giữa Lỗ / Lãi khi đáo hạn sẽ chỉ được thanh toán bằng Tiền mà không có sự chuyển giao Tài sản Cơ sở như bên Hợp đồng Tương lai Trái phiếu Chính phủ.
+ Phương pháp xác định giá thanh toán cuối ngày: dựa trên Giá đóng cửa tại Phiên Định kỳ Đóng cửa – 14h30 đến 14h45 hàng ngày.
+ Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng: Là giá trị trung bình số học đơn giản của chỉ số VN30 Cơ sở trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút Khớp lệnh liên tục – 14h15-14h30 và 15 phút Khớp lệnh định kỳ đóng cửa – 14h30-14h45), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.
+ Mức ký quỹ: Theo quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và hiện đang ở mức 17%. Từ khi thành lập thì Mức Ký quỹ nay đã được tăng 2 lần: lần 1 là từ 10% lên 13% từ Ngày 18/07/2018 và lần 2 là từ 13% lên 17% từ Ngày 15/12/2022. Nếu Ký quỹ tại VSD là 17% thì thông thường ký quỹ ở Công ty Chứng khoán sẽ cao hơn ở mức 21 – 24%, tức là mua 100 triệu đồng Phái sinh giá trị danh nghĩa Chỉ số VN30F thì cần ký quỹ 21-24 triệu đồng.
+ Phí giao dịch & Thuế: theo quy định của Bộ Tài chính và gồm các loại:
* Phí giao dịch ở Công ty Chứng khoán: thường 1.000 – 4.000 đồng / Hợp đồng do tùy Công ty quy định.
* Phí giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX: 2.700 đồng / Hợp đồng.
* Thuế giao dịch chứng khoán phái sinh: Giá chuyển nhượng VN30F x Hệ số nhân (100.000 đồng) x Số lượng Hợp đồng x Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu VSD (Hiện 17%) x 0,1% / 2. Ví dụ khi bạn mua 1 Hợp đồng VN30F2304 với mức giá 1.075,1 điểm thì Thuế giao dịch phái sinh phải trả là: 1075,1 x 100.000 x 1 x 17% x 0,1% / 2 = 9.138 đồng.
* Dịch vụ Quản lý Vị thế: 2.550 đồng / Hợp đồng / ngày. Ví dụ: bạn đang nắm giữ 3 Hợp đồng và để qua đêm và nến bạn không đóng vị thế tất toán thì nếu nắm giữ đủ 10 ngày, Phí Quản Vị thế của bạn phải trả là: 2.550 đồng x 10 ngày x 3 Hợp đồng = 76.500 đồng.
* Dịch vụ Quản lý Tài sản Ký quỹ: 0,0024% giá trị lũy kê số dư Tài sản ký quỹ / tháng. Trong đó tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 1,6 triệu đồng. Chi tiết các Loại Phí Thuế có thể xem thêm: Các loại Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh để hiểu thêm Chứng khoán Phái sinh là gì?.
—————————————————————
3. Một số điểm đặc biệt của Chứng khoán Phái sinh so với Cơ sở
– Chu kỳ Thanh toán – T+0: khác với khi mua Cổ phiếu Cơ sở, ta phải đợi đến 13h00 chiều ngày T+2 (tức 2 ngày làm việc sau) mới bán được (Xem thêm: Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam) thì với Chứng khoán Phái sinh ngay khi bạn vừa Mua Hợp đồng (còn gọi là “Long”) thì sau đó có thể Bán (còn gọi là “Short) luôn ngay lập tức mà không cần chờ đợi như bên Cơ sở. Tức là việc mở Vị thế hay đóng Vị thế không có giới hạn gì về Thời gian, bạn có thể thực hiện mua bán liên tục trong cả phiên giao dịch.
– Giao dịch 2 chiều: thông thường, khi đầu tư vào một loại Tài sản, ta sẽ kỳ vọng giá Tài sản đó sẽ tăng trong tương lai để thu lại lợi nhuận khi mua thấp bán cao, tuy nhiên với Chứng khoán Phái sinh thì lợi nhuận có thể đến từ cả 2 chiều tăng giảm của Thị trường. Tức là nếu bạn đoán Thị trường xuống thì bạn có thể Bán – Short trước, rồi khi giá xuống như kỳ vọng thì Mua – Long lại để thu lợi nhuận từ khoản giao dịch bên cạnh việc Thị trường lên thông thường như bên Cơ sở. Và rất nhiều Nhà đầu tư Dài hạn đã tận dụng tính Bán trước mua sau này để Phòng vệ cho Tài khoản Cơ sở của mình trong thời kỳ Thị trường xuống mạnh. Điểm đặc biệt nữa là phần còn lại của Tỷ lệ Ký quỹ thì bên Phái sinh không phải chịu Lãi suất như khi Vay Margin bên Cơ sở. Xem thêm: Chiến lược Phòng vệ Tài khoản Cơ sở bằng Phái sinh.
– Đòn bẩy Tài chính cao: đối với Tài sản Cơ sở, ví dụ như Cổ phiếu, Nhà Đầu tư muốn mua cần phải có đủ số tiền, và Nhà Đầu tư muốn bán Cổ phiếu phải có đủ số Cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng Phái sinh, Nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ Tài sản Cơ sở để tham gia vị thế bán. Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, đều sẽ được sử dụng hoạt động Ký quỹ, bản chất chính là Đòn bẩy Tài chính rất cao và cao hơn đáng kể so với Margin Ký quỹ bên Cơ sở (Tỷ lệ Ký quỹ bên Cơ sở thấp nhất là 50% còn Phái sinh thực tế hiện đang ở 21-25% tùy Công ty Chứng khoán – Rất thấp). Xem thêm: Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?.
Đối với Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện nay, theo quy định chung thì Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu tối thiểu cho Hợp đồng Phái sinh Chỉ số của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam – VSD đưa ra là 17% (để mua 100 đồng bạn chỉ cần bỏ 17 đồng). Trên cơ sở đó, các Công ty Chứng khoán sẽ đưa ra Tỷ lệ Ký quỹ của mình cao hơn để đảm bảo an toàn cho chính cả Công ty Chứng khoán. Và theo như khảo sát tính toán gần đây ở một số Công ty Chứng khoán lớn thì thường nó nằm trong khoảng 21 – 24%. Phần lệch ở đây được hiểu để cho khoảng giá VN30F dao động với Nhà đầu tư và biên an toàn cho chính Công ty Chứng khoán.
—————————————————————
4. Ứng dụng của Phái sinh trong thực tế Giao dịch – Phòng vệ
Liên quan đến Khái niệm Chứng khoán Phái sinh là gì? thì dưới đây mình xin giới thiệu về Ứng dụng thực tế khi Đầu tư Chứng khoán Cơ sở có áp dụng phòng vệ bằng Chứng khoán Phái sinh. Cụ thể các vấn đề:
– Giới thiệu: từ lâu chúng ta đã biết bên Phái sinh giao dịch được 2 chiều. Nếu bạn nghĩ Thị trường lên thì bạn sẽ hành động như Cơ sở Mua đợi giá tăng và Bán chốt lời. Và đặc biệt nếu bạn nghĩ Thị trường xuống thì bạn sẽ hành động ngược lại Bán trước và mua lại sau cũng để kiếm lời. Như vậy khi thị trường bình thường, tức là đi ngang hoặc lên giá thì chúng ta chỉ cần Đầu tư Cơ sở thuần túy như bao lâu nay. Còn khi Thị trường xuống giá thì chúng ta sẽ kết hợp: nắm giữ Cơ sở – Bị lỗ + Bán Phái sinh – Lãi bù lại.
– Quan niệm về Rủi ro của một cổ phiếu: Giá cổ phiếu dao động sẽ do 2 yếu tố chính tạo ra:
+ Rủi ro nội tại từ chính cổ phiếu: có thể là làm ăn của Công ty Niêm yết đó hoặc Kỳ vọng / Rủi ro tiềm tàng có thể gặp phải.
+ Rủi ro Thị trường: một cổ phiếu tốt làm ăn tăng trưởng mạnh nhưng trong một thị trường rất xấu thì cổ phiếu đó vẫn có thể giảm giá. Tất nhiên có thể là giảm ít hơn Thị trường chung, ít hơn cổ phiếu khác. Và do hiện nay Phái sinh ta mới chỉ có đến Phái sinh Chỉ số VN30 nên chúng ta chỉ loại được rủi ro này ra và chỉ còn Rủi ro nội tại chính cổ phiếu đó.
– Ví dụ đơn giản về Phòng vệ & Quan niệm rủi ro ở trên: Tại 31/03/2022 thì Chỉ số VN-Index là đại diện cho Thị trường Chứng khoán Việt Nam là 1.492,15 điểm và một sau tại 31/03/2023 thì chỉ số chỉ còn 1.064,64 điểm, tức giảm 427,51 điểm hay -28,65%. Song hành với đó VN30 cũng giảm -28,83% và gần như là mức giảm giống VN-Index. Cũng trong khoảng thời gian đó Mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB giảm -5,45%. Như vậy ta nói ACB là một Cổ phiếu tốt vì chỉ giảm có hơn 5% trong bối cảnh chung giảm rất mạnh hơn 28%. Lúc này thay vì ta bán ACB từ sớm để tránh bị thiệt hại sẽ có cách kiếm lãi như sau:
+ Giữ im Cổ phiếu ACB trong suốt giai đoạn 12 tháng này và bị lỗ 5,45% do Cổ phiếu ACB giảm giá từ 26.440 đồng (Giá đã điều chỉnh) về 25.000 đồng / cổ phiếu.
+ Mở Tài khoản Chứng khoán Phái sinh và bán Hợp đồng Tương lai Chỉ số VN30 cũng như giữ vị thế này suốt 12 tháng này: Thị trường giảm mạnh, VN30 giảm -28,83% nên Tài khoản Phái sinh này lãi 28,83%. Và giả sử rằng Số Hợp đồng Phái sinh được bán có Giá trị tương đương với Giá trị Cổ phiếu ACB đã cầm tại thời điểm đầu kỳ 31/03/2022.
+ Tổng lại cả 2 Tài khoản Cơ sở + Phái sinh thì mình vẫn lãi: -5,45% + 28,83% = 23,38%. Như vậy Thị trường xuống mà vẫn kiếm được tiền thay vì bán hết cổ phiếu cơ sở từ đầu và không kiếm được tí lợi nhuận nào. Tóm lại nếu mình có thể chọn Cổ phiếu Tốt, khi Thị trường lên thì Cổ phiếu này lên nhanh hơn và khi Thị trường xuống thì Cổ phiếu này xuống ít hơn thì luôn kiếm được tiền khi kết hợp với Phòng vệ Phái sinh dạng này. Chi tiết hơn xem thêm: Chiến lược Phòng vệ Tài khoản Cơ sở bằng Phái sinh.
Như vậy, trên đây, mình đã đưa ra những phân tích cụ thể để các bạn có thể hiểu hơn về Khái niệm Chứng khoán Phái sinh là gì? Nguồn gốc ra đời, Ý nghĩa, Đặc điểm và Ứng dụng trong thực tế. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index / Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1)
> Các loại Phí Thuế trong Chứng khoán Phái sinh
> Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam
> Chiến lược Phòng vệ Tài khoản Cơ sở bằng Phái sinh
> Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————
(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 04/2023)