Trái phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm và Ví dụ

Giới thiệu

Trong Thị trường Chứng khoán, bên cạnh Đầu tư Cổ phiếu thì ta có thể thấy Trái phiếu cũng là một loại Chứng khoán khá phổ biến và được nhiều Nhà Đầu tư quan tâm hiện nay. Và để các bạn hiểu được rõ hơn Khái niệm Trái phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm và Ví dụ về Trái phiếu thì trong Bài viết này mình sẽ đưa ra những phân tích cụ thể. Các Vấn đề chính gồm:

+ Khái niệm Trái phiếu là gì? Đặc điểm của Trái phiếu.
+ Một số thuật ngữ liên quan đến Trái phiếu.
+ Phân loại Trái phiếu hiện nay.
+ So sánh Trái phiếu, Cổ phiếu và Gửi tiết kiệm Ngân hàng.

—————————————————————

1. Khái niệm Trái phiếu là gì? Đặc điểm của Trái phiếu

Giới thiệu Khái niệm Trái phiếu: Tại Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 có quy định rõ “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành“. Khái niệm này cũng được giải thích chi tiết hơn tại Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Hiểu một cách đơn giản, Trái phiếu là một loại Chứng khoán chứng nhận nghĩa vụ Nợ của Tổ chức phát hành (người vay tiền) phải trả cho Người sở hữu Trái phiếu (người cho vay) đối với một khoản tiền, trong một thời gian xác định (từ 01 năm trở lên) và một khoản Lợi tức theo quy định. Khi đến ngày đáo hạn, Nhà phát hành phải hoàn trả khoản vay ban đầu cho Nhà Đầu tư. Mục đích Tổ chức phát hành Trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính họ. Đây là một hình thức vay nợ khá phổ biến hiện nay bên cạnh việc vay Ngân hàng.

Trong ảnh: Định nghĩa Khái niệm Trái phiếu được quy định trong văn bản Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Link gốc ảnh)

Đặc điểm của Trái phiếu:

* Bên cạnh Tổ chức phát hành Trái phiếu là các Công ty, Ngân hàng thì Chính phủ Trung ương và Chính quyền Địa phương cũng đều có thể phát hành Trái phiếu để vay nợ.
* Người mua Trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ (còn gọi là Trái chủ), sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về việc sử dụng vốn vay từ người vay. Và Nhà phát hành Trái phiếu phải có nghĩa vụ thanh toán đúng số nợ như đã cam kết trong Hợp đồng cho vay cho Trái chủ.
* Nguồn thu nhập của Trái phiếu chính là tiền lãi. Đây là khoản thu thường cố định theo kỳ, nó không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành Trái phiếu như Cổ phiếu.
* Bản chất Trái phiếu là Chứng khoán Nợ, vì vậy khi Công ty – Tổ chức Phát hành bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho người sở hữu Trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các Cổ đông nắm giữ cổ phiếu.

Như vậy, có thể thấy Trái phiếu có ưu điểm là độ rủi ro thấp hơn Cổ phiếu, Lãi suất cố định, thích hợp với những Nhà Đầu tư ưa thích sự an toàn, đặc biệt là Trái phiếu do Chính phủ và chính quyền địa phương phát hành.

Trong ảnh: Trái phiếu Chính phủ Việt Nam (bên trái) và Trái phiếu Doanh nghiệp CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (bên phải) (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Khái niệm Trái phiếu là gì? Đặc điểm của Trái phiếu” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

2. Một số thuật ngữ liên quan đến Trái phiếu

Liên quan đến Khái niệm Trái phiếu là gì? thì ta có một số thuật ngữ có liên quan như: Mệnh giá Trái phiếu, Giá Trái phiếu, Kỳ hạn Trái phiếu, Lãi suất Coupon của Trái phiếu và Thị trường Trái phiếu. Cụ thể:

Mệnh giá Trái phiếu: hay còn gọi là Giá trị danh nghĩa của Trái phiếu, đây là mức giá được ghi trực tiếp trên Trái phiếu. Giá trị này được coi là số vốn gốc, bản chất chính là số tiền gốc ban đầu bạn cho Tổ chức phát hành vay. Mệnh giá Trái phiếu là căn cứ để xác định số tiền lãi vay mà người phát hành phải trả cho người nắm giữ Trái phiếu. Bên cạnh đó, Mệnh giá cũng thể hiện số tiền người phát hành phải hoàn trả khi Trái phiếu đến hạn. Hiện nay, trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam, Mệnh giá của 1 Trái phiếu được quy định tối thiểu là 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng (như 500.000, 1.000.000, 2.000.000 đồng, hay có thể lớn đến cả 100 triệu đồng…)

Giá phát hành Trái phiếu: hay gọi tắt là Giá Trái phiếu, đây là định mức giá trị của mỗi Trái phiếu khi được chào bán ra ngoài Thị trường. Thông thường Giá phát hành được xác định theo Tỷ lệ phần trăm của Mệnh giá. Tùy theo tình hình của Thị trường chung và tình hình của người phát hành để có thể tính toán và đưa ra Giá phát hành một cách hợp lý. Khi xem xét Giá phát hành của Trái phiếu, ta có thể phân thành 3 trường hợp: Giá phát hành bằng Mệnh giá (gọi là Ngang giá), Giá phát hành bé hơn Mệnh giá (gọi là Giá chiết khấu) và Giá phát hành lớn hơn Mệnh giá (gọi là Giá gia tăng).

Trong ảnh: Thông tin Trái phiếu VHM bao gồm Mệnh giá, Kỳ hạn, Lãi suất,… được cập nhật trên Website Chứng khoán Techcombank (Link gốc ảnh)

Kỳ hạn Trái phiếu: là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày đáo hạn (người phát hành hoàn trả vốn lần cuối). Đây chính là khoảng thời gian Trái phiếu được lưu hành trên Thị trường. Sau thời gian đó, bên phát hành sẽ phải thanh toán cả gốc lẫn lãi cho người nắm giữ Trái phiếu. Hiện nay, trên Thị trường, các Trái phiếu có thời hạn khác nhau, Trái phiếu trung hạn có thời gian từ 1 năm đến 5 năm. Trái phiếu dài hạn, có thời gian từ 5 năm trở lên. Thông thường thì các Trái phiếu dài hạn sẽ có mức Lãi suất cao hơn các Trái phiếu trung hạn và đi kèm rủi ro cũng sẽ lớn hơn.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Lãi suất Coupon của Trái phiếu: Lãi suất Trái phiếu thường được ghi trên Trái phiếu hoặc người phát hành công bố được gọi là Lãi suất Coupon (Lãi suất danh nghĩa). Lãi suất này được xác định theo tỷ lệ phần trăm so với Mệnh giá Trái phiếu và được sử dụng để tính tiền lãi mà Nhà Đầu tư nhận được hàng kỳ từ Tổ chức phát hành. Kỳ trả lãi ở đây thường là 1 năm một lần hoặc 1 năm hai lần. 

Dù Trái phiếu được bán với giá nào (ngang giá, giá chiết khấu hay giá gia tăng), thì tiền lãi luôn được xác định theo mức Lãi suất Coupon và Mệnh giá của Trái phiếu cho đến khi đáo hạn. Nhà phát hành sẽ quy định Lãi suất dựa trên nhiều yếu tố, đủ hấp dẫn đầu tư trên Thị trường và phù hợp với dòng tiền của tổ chức. Khi mua Trái phiếu, bạn cần xem xét Lãi suất Coupon của Trái phiếu và Lãi suất Thị trường để lựa chọn đầu tư hiệu quả, tuy nhiên cũng cần lưu ý thường những Trái phiếu có mức Lãi suất lớn sẽ đi kèm với rủi ro lớn hơn.

Ví dụ: Ngày 15/04/2020, bạn mua một Trái phiếu có Giá phát hành bằng Mệnh giá gốc là 10.000.000 đồng, Kỳ hạn 5 năm và Lãi suất Coupon cố định là 9%/năm, trả lãi 1 năm một lần. Bạn quyết định nắm giữ Trái phiếu cho đến ngày đáo hạn. Qua mỗi năm, doanh nghiệp đều trả cho bạn 10 triệu*9% = 900.000 đồng tiền lãi. Đến ngày 15/04/2025, Trái phiếu sẽ đáo hạn và doanh nghiệp phải hoàn trả mệnh giá 10 triệu đồng cho bạn, khi đó bạn sẽ nhận được tổng số tiền là 10.900.000 đồng (= 900 nghìn tiền lãi + 10 triệu tiền gốc). Ta có thể hình dung dòng tiền đầu tư từ khi mua Trái phiếu đến khi đáo hạn qua hình dưới đây.

Trong ảnh: Ví dụ về Dòng tiền của Nhà Đầu tư Trái phiếu từ khi mua đến ngày đáo hạn (Link gốc ảnh)

Thị trường Trái phiếu: được hiểu là nơi diễn ra các giao dịch mua bán Trái phiếu giữa các Nhà Đầu tư, Tổ chức phát hành hoặc Trung gian Môi giới với nhau. Thị trường trái phiếu được chia thành rất nhiều loại phù hợp với từng đặc điểm và chức năng của nó. Tùy theo nhu cầu của Nhà Đầu tư mà có thể chọn và sở hữu loại Trái phiếu phù hợp với mục tiêu đầu tư. Hiện nay, Trái phiếu thường được phát hành theo một số phương thức chính như đấu thầu, đại lý phát hành, bảo lãnh hoặc bán lẻ. Các Trái phiếu khi phát hành thường sẽ được đăng ký, lưu ký và niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán (Trái phiếu Niêm yết). Các Thị trường Trái phiếu được nhiều Nhà Đầu tư quan tâm nhất hiện nay có thể kể đến như Thị trường Trái phiếu Chính phủ, Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp,….

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

3. Phân loại Trái phiếu hiện nay

Để hiểu thêm Khái niệm Trái phiếu là gì? thì mình xin giới thiệu một số Tiêu chí Phân loại Trái phiếu phổ biến nhất và thường được các Nhà Đầu tư quan tâm. Cụ thể:

Phân loại theo Tổ chức phát hành:

+ Trái phiếu Chính phủ: hay còn gọi là Công trái. Đây là loại Trái phiếu do Chính phủ phát hành, mục đích nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong dân và các tổ chức kinh tế, xã hội để phục vụ cho các mục tiêu công. Vì Nhà phát hành là Chính phủ, được xem là uy tín nhất trên thị trường nên Trái phiếu Chính phủ được coi là loại Chứng khoán có ít rủi ro nhất (gần như không có rủi ro), tuy nhiên Lãi suất của loại Trái phiếu này sẽ thấp hơn nhiều so với các loại Trái phiếu khác.

Trong ảnh: Tỷ trọng phát hành Trái phiếu theo nhóm ngành – Nguồn Báo cáo Thị trường Trái phiếu Quý III/2022 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) (Link gốc ảnh)

+ Trái phiếu Doanh nghiệp: là những Trái phiếu do Doanh nghiệp phát hành để tăng vốn dài hạn cho hoạt động kinh doanh hay thực hiện các dự án đầu tư. Hiện nay, Trái phiếu Doanh nghiệp là loại Trái phiếu mới được phổ biến ở Việt Nam trong vài năm gần đây với các nhà môi giới thường là các Ngân hàng và Công ty Chứng khoán. Do mức độ rủi ro lớn hơn nhưng lại đi kèm Lãi suất cao hơn hẳn đi gửi Tiết kiệm Ngân hàng nên cũng nhận được sự quan tâm của các Nhà đầu tư gần đây. Cùng với Vay Ngân hàng (Thị trường cho Vốn Ngắn hạn) thì Trái phiếu Doanh nghiệp góp phần tạo ra một hệ sinh thái huy động vốn cho cả Kỳ hạn Ngắn & Dài cho Doanh nghiệp.

+ Trái phiếu Ngân hàng và các Tổ chức Tài chính: các tổ chức này có thể phát hành Trái phiếu để tăng thêm vốn hoạt động. Trên thực tế, các Ngân hàng và Tổ chức Tài chính có độ uy tín và tình hình kinh doanh, dòng tiền ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên Thị trường, do đó Trái phiếu Ngân hàng giúp Nhà Đầu tư có cơ hội đầu tư khá an toàn, xếp về độ rủi ro thì sẽ cao hơn Trái phiếu Chính phủ nhưng thấp hơn Trái phiếu Doanh nghiệp. Hiện nay, rất nhiều Ngân hàng đã phát hành trái phiếu để huy động vốn như Techcombank, Vietinbank, BIDV, … Theo ghi nhận của 27 Ngân hàng đang Niêm yết trên sàn thì Tổng giá trị phát hành khoản mục Giấy tờ có Giá (Trong đó phần lớn là Trái phiếu mà Ngân hàng phát hành để huy động Vốn dài hạn) vào 31/12/2022 là khoảng hơn 700 ngàn tỷ đồng và chiếm khoảng 6% Tổng vốn của các Ngân hàng.

Trong ảnh: Thông tin các Trái phiếu được cập nhật trên Website Chứng khoán Techcombank, trong đó mục TS đảm bảo có 2 loại là Có TSĐB và Không (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Phân loại theo Tài sản đảm bảo thanh toán của người phát hành:

+ Trái phiếu có bảo đảm: là loại Trái phiếu mà người phát hành dùng một tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành và đưa ra mức Lãi suất giảm so với Trái phiếu không có bảo đảm. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán thì Trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền người phát hành còn nợ. Thông thường, Tài sản đảm bảo của các Trái phiếu thường sẽ là Bất động sản hoặc Cổ phiếu tương tự như các Món cho vay của các Ngân hàng.

+ Trái phiếu không bảo đảm: là loại Trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật bảo đảm mà chỉ bảo đảm bằng uy tín của người phát hành. Hiện nay trên Thị trường, Trái phiếu phát hành không có Tài sản đảm bảo chiếm một tỷ lệ khá lớn. Trong số những Trái phiếu không có đảm bảo thì Trái phiếu Ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các Ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Còn Trái phiếu doanh nghiệp các ngành khác, nhất là bất động sản, cần được chú ý hơn và được xem là có độ rủi ro cao hơn khá nhiều.

Trong ảnh: Thông báo về việc Nhận Hồ sơ Niêm yết Trái phiếu của Ngân hàng BIDV và đây là loại Trái phiếu không có Tài sản đảm bảo (Link gốc ảnh)

Phân loại Lãi suất Coupon của Trái phiếu:

+ Trái phiếu có Lãi suất cố định: là loại Trái phiếu mà Lãi suất được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định không đổi tính theo Mệnh giá. Ví dụ Trái phiếu có mệnh giá 100 ngàn đồng, lãi suất 8%/năm, như vậy dù Giá Trái phiếu trên Thị trường có cao hơn hay thấp hơn 100 ngàn đồng thì Nhà Đầu tư cũng chỉ được hưởng mức tiền lãi là 8%*100.000 = 8.000 đồng/năm.

+ Trái phiếu có Lãi suất biến đổi (Lãi suất thả nổi): là loại Trái phiếu mà mức Lãi suất được trả trong các kỳ không giống nhau và được điều chỉnh, thay đổi theo một Lãi suất tham chiếu. Việc thay đổi Lãi suất này sẽ do Tổ chức phát hành quy định và được ghi rõ trên Trái phiếu.

+ Trái phiếu có Lãi suất bằng không (hay còn gọi là zero-coupon): là loại Trái phiếu mà người mua không được nhận tiền lãi hàng kỳ, tuy nhiên bạn sẽ được mua Trái phiếu với mức Giá thấp hơn so với Mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng Mệnh giá khi Trái phiếu đó đáo hạn. Như vậy, lợi tức đầu tư bạn thu được từ Trái phiếu này chính là phần chênh lệch giữa Giá mua và Mệnh giá của Trái phiếu.

Phân loại dựa vào tính chuyển đổi Trái phiếu:

+ Trái phiếu có thể chuyển đổi: là loại Trái phiếu mà người sở hữu Trái phiếu có quyền được chuyển đổi sang Cổ phiếu của Công ty đó (biến Vay Nợ thành Cổ đông). Việc chuyển đổi này được quy định cụ thể về thời gian và tỷ lệ khi chào bán Trái phiếu của Tổ chức Phát hành.

Trong ảnh: Báo cáo Kết quả chuyển đổi Trái phiếu thành Cổ phiếu của Đầu tư địa ốc No Va (Mã Cổ phiếu: NVL) ( (Link gốc ảnh)

+ Trái phiếu có quyền mua Cổ phiếu: là loại Trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ được quyền mua một số lượng nhất định Cổ phiếu của Công ty.

+ Trái phiếu có thể mua lại: là loại Trái phiếu cho phép nhà phát hành được quyền mua lại một phần hay toàn bộ trước khi Trái phiếu đến hạn thanh toán.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

4. So sánh Trái phiếu, Cổ phiếu và Gửi Tiết kiệm Ngân hàng

Đầu tư Trái phiếu, Cổ phiếu hay Gửi Tiết kiệm Ngân hàng đều là những hình thức đầu tư tài chính khá phổ biến và được nhiều người quan tâm hiện nay. Các hình thức này hoàn toàn khác nhau nhưng đều có nhiều ưu điểm giúp bạn có thể đạt được lợi nhuận từ số tiền đang có tùy thuộc kỳ vọng và vào khẩu vị rủi ro của mỗi người. Dưới đây, mình sẽ so sánh một số điểm khác cơ bản giữa Trái phiếu, Cổ phiếu và Gửi Tiết kiệm Ngân hàng. Tùy vào tình hình tài chính và nhu cầu cá nhân mà bạn có thể lựa chọn sao cho phù hợp.

So sánh Trái phiếu và Cổ phiếu: Bản chất khi đầu tư vào Cổ phiếu, bạn sẽ là người góp vốn, hay còn gọi là Cổ đông / Chủ của Doanh nghiệp. Lợi nhuận của Đầu tư Cổ phiếu đến từ chênh lệch Giá và từ Cổ tức. Hiệu suất Đầu tư mang lại có thể rất lớn, tuy nhiên đi kèm với độ rủi ro cũng lớn. Rủi ro lỗ lớn nhất khi Đầu tư Cổ phiếu là do Giá Cổ phiếu trên Thị trường bị giảm so với giá vốn (mất giá). Ngược lại, khi Đầu tư vào Trái phiếu, bạn sẽ là Người cho Vay, hay chính là Chủ nợ. Khi đầu tư Trái phiếu, dù doanh nghiệp có lãi gấp nhiều lần thì Lợi nhuận của Nhà Đầu tư vẫn không thay đổi. Nhà Đầu tư chỉ nhận được Lãi suất cố định mà Doanh nghiệp đã cam kết khi phát hành Trái phiếu. Tổ chức phát hành có trách nhiệm hoàn trả gốc và Lãi Trái phiếu theo đúng như cam kết với Nhà Đầu tư. Do đó, Nhà đầu tư không thực sự được hưởng lợi khi lợi nhuận Doanh nghiệp tăng như khi nắm giữ Cổ phiếu.

Trong trường hợp phá sản, Doanh nghiệp sẽ phải ưu tiên thanh lý Tài sản để trả cho các Chủ nợ trước khi trả cho Cổ đông. Theo đó, người nắm giữ Trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước người nắm giữ Cổ phiếu.

Trong ảnh: Bảng so sánh giữa Trái phiếu, Cổ phiếu và Gửi Tiết kiệm Ngân hàng (Link gốc ảnh)

So sánh Trái phiếu và Gửi Tiết kiệm Ngân hàng: Khi bạn mua Trái phiếu, đặc biệt là Trái phiếu Doanh nghiệp thì rủi ro lớn nhất là Doanh nghiệp không trả được nợ dẫn đến việc Nhà Đầu tư bị mất tiền cho vay. Trong khi đó, Gửi tiết kiệm Ngân hàng thì rủi ro lớn nhất là Ngân hàng bị phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế ta thấy rủi ro phá sản của Ngân hàng rất thấp, thấp hơn nhiều so với Doanh nghiệp do Ngân hàng thương mại luôn được Nhà nước kiểm soát và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Như vậy, bạn có thể thấy, đầu tư vào Trái phiếu Doanh nghiệp sẽ có rủi ro hơn so với gửi Ngân hàng, bù lại Lãi suất Trái phiếu Doanh nghiệp thường cao hơn Lãi suất tiết kiệm.

Ngoài ra, Trái phiếu còn có tính linh hoạt hơn tiền gửi. Khi gửi tiết kiệm, nếu cần tiền trước hạn, bạn sẽ phải tất toán sổ tiết kiệm và chỉ được hưởng Lãi suất không kỳ hạn. Trong khi đó, Khi đầu tư trái phiếu, nếu cần tiền, bạn có thể bán lại Trái phiếu cho Nhà Đầu tư khác và vẫn được hưởng mức Lãi suất cho thời gian nắm giữ Trái phiếu.

Như vậy, trên đây, mình đã đưa ra những phân tích cụ thể để các bạn có thể hiểu hơn về Khái niệm Trái phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm kèm Ví dụ về Trái phiếu cũng như so sánh Trái phiếu với một số hình thức đầu tư tài chính khác. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Cổ phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ
> Chứng chỉ quỹ là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 02/2023)