Công ty Mẹ Con, Công ty Liên kết và Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu (Phần 2)
Giới thiệu
Bài viết trước Công ty Mẹ, Công ty Con và Công ty Liên kết là gì? (Phần 1), Ta đã biết đến các Khái niệm Cơ bản về Công ty Mẹ, Công ty Con, Công ty Liên kết kèm các Khái niệm có liên quan như Tỷ lệ Sở hữu, Tỷ lệ Biểu quyết và Lợi ích Cổ đônng Không kiểm soát. Tại Phần 2 này, mình tiếp tục đi Khái niệm tiếp là Đầu tư Tài chính khác và Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu ở cả 3 trường hợp Công ty Mẹ, Công ty Con và Đầu tư Tài chính Khác.
Hiện Bài viết này nằm trong Nhóm Bài Các Khái niệm và Thuật ngữ về Chứng khoán nhằm cung cấp các Khái niệm rất Cơ bản về Quan hệ Sở hữu trong Doanh nghiệp và qua đó giúp củng cố các nền tảng trước khi đến với các Lý luận Phân tích Định giá Giá trị Doanh nghiệp khác cao hơn. Bài viết cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính của Phần 2 gồm:
+ Đầu tư Tài chính khác – Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu, Trích lập Dự phòng và Hoàn nhập Dự phòng.
+ Bảng Tổng hợp Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu – Công ty Mẹ Con, Công ty Liên kết, Đầu tư Tài chính khác.
+ Phần 1 (Xem lại) – Công ty Mẹ, Công ty Con và Công ty Liên kết là gì?.
—————————————————————
Đầu tư Tài chính khác – Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu, Trích lập Dự phòng và Hoàn nhập Dự phòng
– Khái niệm Đầu tư Tài chính khác: khác với hai loại hình trên là Công ty Mẹ – Con nắm giữ >50% và Công ty Liên kết từ 20 – <50% thì Đầu tư Tài chính khác chính là một Khoản Đầu tư được phân loại vào khi Quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp có Tỷ lệ dưới 20%. Do Tỷ lệ Sở hữu / Biểu quyết thấp hơn hai Hình thức kể trên nên Đầu tư Tài chính khác hầu như không có ảnh hưởng gì quá lớn đến Công ty được Đầu tư, tính liên kết thấp nên được xếp dưới dạng tên gọi là Đầu tư Tài chính “Khác”, hàm ý thuần túy chỉ là một Khoản Đầu tư Tài chính kiếm lời.
Tại Báo cáo Tài chính Công ty Mẹ Kiểm toán Năm 2021 – VIC (VinGroup) – Trang 36/75 có thuyết minh các khoản Đầu tư Tài chính khác với Tỷ lệ Biểu quyết / Sở hữu < 20%, trong đó đáng chú ý có khoản Đầu tư vào Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Vinatex (Mã Chứng khoán VGT tại UPCoM) đầu năm 2021 thì Tỷ lệ Sở hữu đang là 10% VGT và đến cuối năm đã thoái vốn dần còn 5%. Cả hai Tỷ lệ trên đều ở dạng < 20% do đó xếp vào dạng Đầu tư Tài chính khác.
– Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu – Đầu tư Tài chính khác: chỉ Hợp nhất theo Tỷ lệ Lợi ích khi Công ty được Đầu tư trả Cổ tức Tiền mặt (Thường là một phần của Lợi nhuận). Ví dụ: Công ty G nắm 15% Công ty H và Công ty H có lãi 100 tỷ trong niên độ Tài chính. Công ty H quyết định dùng 40% Lợi nhuận kiếm được là 100 x 40% = 40 tỷ để Chia Cồ tức Tiền mặt cho Cổ đông (Số còn lại được H dùng để Tái Đầu tư mở rộng Sản xuất Kinh doanh), lúc này Công ty G sẽ được nhận 40 tỷ x 15% = 6 tỷ đồng (Đồng thời là Dòng tiền). Như vậy thay vì được hợp nhất toàn bộ Lợi nhuận theo Tỷ lệ Lợi ích / Sở hữu là 100 x 15% = 15 tỷ đồng như Trường hợp Công ty Liên kết thì hình thức Đầu tư Tài chính khác chỉ được ghi nhận có 6 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là nếu Công ty H không chia Cổ tức Tiền mặt thì Lãi của G hoàn toàn không được ghi nhận gì từ H và mộ trường hợp đặc biệt khác nữa là nếu Công ty H chia 100% số Lãi kiếm được cho Cổ tức Tiền mặt thì Lãi Hợp nhất của G = Lãi Riêng G + 15 tỷ và được coi là tối đa tương tự như trường hợp là Công ty Liên kết do được ghi nhận toàn bộ về.
– Trích lập Dự phòng và Hoàn nhập Dự phòng Đầu tư Tài chính: khác với trường hợp Công ty Mẹ – Con và Công ty Liên kết đều không quan tâm đến Giá Mua với Giá Thị trường / Giá trị Sổ sách thì trường hợp Đầu tư Tài chính khác (Tỷ lệ Biểu quyết < 20%) phải để ý thêm việc này. Vì trường hợp nếu Giá Mua > Giá Thị trường Cổ phiếu hoặc Giá trị Sổ sách thì lúc này Công ty G như trong Ví dụ (Công ty đi Đầu tư) sẽ phải trích lập Dự phòng Đầu tư Tài chính do Giá Thị trường bị giảm giá hoặc Giá Sổ sách bị giảm giá theo nguyên tắc Kế toán. Và ở các Kỳ sau nếu Giá Thị trường / Giá trị Sổ sách có hồi phục thì sẽ được hoàn nhập Dự phòng Đầu tư Tài chính dần cho đến khi > Giá Mua. Chi tiết bạn có thể xem thêm Ví dụ ở Hình ảnh trên như sau:
+ Nếu Giá Thị trường / Giá trị Sổ sách < Giá Mua: ví dụ nếu Công ty G mua Cổ phiếu Công ty H giá trung bình quy đổi là 13 ngàn đồng / Cổ phiếu. Và trong Kỳ đánh giá tới thì Giá Cổ phiếu hoặc Giá trị Sổ sách bị giảm xuống thấp hơn là 11 ngàn đồng / Cổ phiếu, do đó Công ty G phải trích lập Dự phòng Đầu tư Tài chính 2 ngàn đồng / Cổ phiếu theo quy định. Trường hợp nếu Giá Thị trường / Giá trị Sổ sách > Giá Mua thì không được ghi nhận gì phần tạm Lãi này, ví dụ như Giá Mua 13, Giá Cổ phiếu / Giá Sổ sách trong kỳ tăng lên là 15 ngàn đồng / Cổ phiếu thì phần lệnh 2 ngàn đồng / Cổ phiếu này muốn hạch toán thì Công ty G cần phải bán dứt điểm khoản Đầu tư tại H.
+ Nếu Giá thị trường / Giá trị Sổ sách Kỳ trước < Giá Thị trường / Giá trị Sổ sách Kỳ này < Giá Mua: vẫn tiếp Ví dụ trên, Công ty G mua Cổ phiếu Công ty H giá trung bình 13 ngàn / Cổ phiếu. Trong kỳ trước Giá là 11 ngàn đồng / Cổ phiếu và đã phải trích lập 2 ngàn đồng / Cổ phiếu. Trong kỳ này Giá Cổ phiếu / Giá trị Sổ sách đã tăng lại một phần thành 12,5 ngàn đồng / Cổ phiếu. Lúc này Công ty G sẽ được hoàn nhập Dự phòng Đầu tư Tài chính 1,5 ngàn đồng từ Lô Đầu tư Công ty H trong kỳ này.
– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Đầu tư Tài chính khác – Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu, Trích lập Dự phòng và Hoàn nhập Dự phòng” thì nghe thêm dưới đây:
—————————————————————
Bảng Tổng hợp Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu – Công ty Mẹ Con, Công ty Liên kết, Đầu tư Tài chính khác
– Hợp nhất Số liệu Công ty Mẹ – Công ty Con: Hợp nhất tất cả Số liệu từ các Tài sản như Tiền mặt, Phải thu, Hàng tồn kho, Tài sản Cố định, … đến các Nợ như Phải trả Người bán, Người mua trả tiền trước, Phải trả Người lao động, … Doanh thu Thuần, Lãi Trước thuế … và chỉ tách ra mục quan trọng để Định giá là Vốn chủ Sở hữu và Lợi nhuận Sau thuế với Tiểu khoản Lợi ích Cổ đông Không kiểm soát theo Tỷ lệ Lợi ích. Như trong Ví dụ Hình dưới (Góc Trái) thì A nắm 70% B nên A là Mẹ của B và giả định rằng giữa A và B chỉ tập trung ở việc sở hữu nhau không có buôn bán công nợ, … thì Nếu Tổng Tài sản Riêng A là 1000 tỷ đồng và Tổng Tài sản của B là 200 tỷ, ngoài ra thuần túy rằng A chỉ có một Công ty con duy nhất là B thì Tổng Tài sản Hợp nhất A sẽ là 1000 + 200 = 1200 tỷ tại Báo cáo Tài chính Hợp nhất. Một cách tương tự ta có tất cả các Chỉ tiêu khác cũng tương tự như: Tiền thì 200 + 30 = 230 tỷ đồng, Phải thu thì 150 + 30 = 180 tỷ đồng, Hàng tồn kho 180 + 30 = 210 tỷ đồng, Doanh thu Thuần 2000 + 400 = 2400 tỷ đồng, … dù rằng A chỉ nắm 70% B, không hoàn toàn nắm 100% nhưng vẫn hợp nhất toàn bộ 100 Tài sản / Tình hình Kinh doanh vô trừ 2 khoản duy nhất để định giá là: Vốn chủ Sở hữu và Lợi nhuận Sau thuế.
Vốn chủ Sở hữu Hợp nhất A = Vốn chủ Riêng A là 400 tỷ đồng + 70% Vốn chủ B (70% x 90) = 463 tỷ đồng và Phần Lợi ích Cổ đông không Kiểm soát của A ở B là (1-70%) x 90 = 27 tỷ đồng. Tương tự, phần Lợi nhuận Sau thuế Công ty Mẹ Hợp nhất A = Lãi sau thuế Riêng A 250 tỷ đồng + 70% Lãi sau thuế B (70% x 80) = 306 tỷ đồng và Phần Lãi sau thuế Cổ đông Không kiểm soát của A tại B là (1-70%) x 80 = 24 tỷ đồng.
– Hợp nhất Số liệu Công ty Liên kết: chỉ Hợp nhất duy nhất Lợi nhuận theo Tỷ lệ Lợi ích / Sở hữu tại khoản Đầu tư. Đây là trường hợp Đơn giản hơn, bên Tài sản được ghi nhận tại Mục Đầu tư Tài chính Dài hạn như một khoản Đầu tư của Công ty A, còn bên Kinh doanh thì được Hợp nhất duy nhất Lãi như trong Ví dụ giữa ở Hình trên – Lãi sau thuế Riêng A 250 tỷ đồng + 30% Lãi sau thuế B (30% x 80) = 274 tỷ đồng. Vì là ở dạng Liên kết, nên cũng không cần phải xem Công Nợ, Doanh thu, Vay Nợ, … của Công ty B để hợp nhất vào A làm gì.
– Hợp nhất Số liệu Đầu tư Tài chính khác: như giới thiệu ở Phần trên và Bảng Minh họa trong Hình trên Bên Phải.
– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Đầu tư Tài chính khác – Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu, Trích lập Dự phòng và Hoàn nhập Dự phòng” thì nghe thêm dưới đây:
Trên đây là Thông tin Khái niệm Bài viết Công ty Mẹ, Công ty Con, Công ty Liên kết và Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu kèm Ví dụ Minh Họa các Khái niệm Liên quan như Đầu tư Tài chính Khác, Nguyên tắc Hợp nhất Số liệu kèm Bảng Tổng hợp So sánh. Bài viết thuộc Nhóm bài Cơ bản liên quan đến Định giá, mọi ý kiến đóng góp hoặc còn thắc mắc muốn được Thông tin giải thích thêm, xin liên hệ mình qua Thông tin Liên lạc của Website.
—————————————————————
Xem lại Phần 1: Công ty Mẹ, Công ty Con và Công ty Liên kết là gì?.
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1) / Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 2)
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán / Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————