Quỹ Chỉ số ETF là gì? Ưu và nhược điểm của ETF
Giới thiệu
Đầu tư Chứng khoán đang ngày càng trở thành là kênh Đầu tư phổ biến với nhiều người, bên cạnh Cổ phiếu hay Trái phiếu thì Chứng chỉ Quỹ cũng được quan tâm. Trong đó Quỹ Chỉ số ETF là loại quỹ đang ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm. Vậy Quỹ Chỉ số ETF là gì? Ưu và nhược điểm của quỹ ETF như thế nào? Trong Bài viết này, mình sẽ phân tích cụ thể để các bạn nắm rõ.
Bài viết cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:
+ Khái niệm Quỹ Chỉ số ETF là gì?
+ Ưu và nhược điểm của Quỹ Chỉ số ETF.
+ Các Quỹ ETF trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện nay.
—————————————————————
Khái niệm Quỹ Chỉ số ETF là gì?
Theo quy định tại khoản 42 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, giải thích Khái niệm Quỹ ETF như sau:
” Quỹ hoán đổi danh mục (Quỹ ETF – viết tắt của Exchange Traded Fund) là quỹ mở hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục được niêm yết và giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết”
Như vậy, ta có thể hiểu Quỹ hoán đổi danh mục ETF được hình thành dựa trên sự mô phỏng lên xuống các Chỉ số tham chiếu. Và tùy thuộc vào từng Quỹ mà chúng sẽ được tham chiếu với các Chỉ số khác nhau, như tại Thị trường Chứng khoán Việt Nam ta có các Chỉ số phổ biến bao gồm VN30, VNX50, VN100, VNFIN LEAD…
Theo đó, danh mục đầu tư của Quỹ ETF phải phù hợp với danh mục của Chỉ số tham chiếu về cơ cấu, tỷ trọng tài sản và bảo đảm mức sai lệch xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Thông tư 98/2020/TT-BTC không vượt quá mức sai lệch tối đa quy định tại Điều lệ Quỹ, quy định của Sở giao dịch chứng khoán và các quy định của pháp luật.
Khi góp vốn vào Quỹ ETF, Nhà đầu tư sẽ nhận được Chứng chỉ Quỹ ETF (viết tắt là CCQ ETF). Tương tự như Cổ phiếu, các CCQ ETF này cũng được niêm yết và giao dịch trên Sàn Chứng khoán. Nhờ có ETF, giờ đây các sản phẩm Chứng khoán đã trở nên đa dạng hơn và các Nhà Đầu tư có thêm công cụ để lựa chọn.
Ví dụ: Quỹ ETF DCVFMVN30 (Mã: E1VFVN30) mô phỏng theo Chỉ số VN30 của sàn HOSE. Nếu bạn mua CCQ Quỹ E1VFVN30, đồng nghĩa với việc bạn đang gián tiếp đầu tư vào các Cổ phiếu trong nhóm VN30. Giả sử trong 1 năm, Chỉ số VN30 tăng 20% thì Quỹ VFMVN30 cũng sẽ tăng trưởng xấp xỉ 20%.
—————————————————————
Ưu và nhược điểm của Quỹ ETF
Quỹ hoán đổi danh mục ETF vừa mang đặc trưng của một Quỹ Đầu tư, đồng thời mang đặc trưng của một Cổ phiếu bởi chúng được niêm yết và giao dịch trên Sàn Chứng khoán. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ sản phẩm tài chính khác, ETF sẽ có một số ưu nhược nhất định cần chú ý:
– Ưu điểm:
* Đầu tư thụ động, đa dạng hoá: Một Quỹ ETF thường đầu tư vào nhiều Cổ phiếu theo Chỉ số, từ đó có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro. Mua ETF là lựa chọn an toàn cho người mới bắt đầu đầu tư vào Thị trường Chứng khoán, không đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu về từng Cổ phiếu cụ thể.
* Chi phí thấp: Quỹ được quản lý theo kiểu thụ động nên chi phí quản lý thấp hơn so với các Quỹ quản lý chủ động (Do không cần nhiều nhân sự cho phân tích).
* Minh bạch: Các chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên các sàn chứng khoán, giúp khách hàng có thể giao dịch như một Cổ phiếu thông thường. Ngoài ra, những thông tin giao dịch hằng ngày đều được công bố minh bạch trên Website Sở, Ủy ban Chứng khoán và Công ty Quản lý Quỹ đó.
* Thu hút đầu tư nước ngoài: Thông qua quỹ ETF nội, Nhà Đầu tư nước ngoài gián tiếp sở hữu Cổ phiếu đã đạt hạn mức sở hữu nước ngoài tối đa và không thể mua trực tiếp (Như cổ phiếu MBB, REE, PNJ, …)
– Nhược điểm:
* Độ trễ: khi Cổ phiếu trong Danh mục gặp rủi ro: do chiến lược bị động nên Quỹ ETF mua bán theo Danh mục của Chỉ số nên chỉ được thực hiện giao dịch mỗi khi đến kỳ cơ cấu.
Trường hợp nếu có Cổ phiếu nào đó gặp rủi ro, giá Cổ phiếu giảm mạnh thì Quỹ ETF cũng không thể bán ra ngay mà phải chờ đến đợt xét duyệt Danh sách Chỉ số cho kì mới của Sở, khi Cổ phiếu đó bị loại khỏi Chỉ số thì Quỹ mới bán ra được, lúc này Giá Cổ phiếu cũng đã giảm đi rất nhiều rồi.
* Lỗi xét duyệt chỉ số – chủ quan: việc xét duyệt cổ phiếu thành phần vào chỉ số thường được dựa trên Free-Float, Thanh khoản và Vốn hóa. Các tiêu chí này được công bố rõ ràng, minh bạch và mặc dù rất chặt chẽ nhưng vẫn có một số lãnh đạo Công ty Niêm yết cố tình thao túng Cổ phiếu đạt được các điều kiện trên để vào Chỉ số, qua đó gây thiệt hại cho Quỹ và Nhà đầu tư. Điển hình như cổ phiếu ROS – Công ty CP FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết từng vào Chỉ số VN30.
—————————————————————
Các Quỹ ETF trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện nay
Hiện tại, Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang có 16 Quỹ ETF niêm yết Chứng chỉ quỹ trên Sàn HOSE, tham chiếu theo 7 rổ Chỉ số, bao gồm:
– VN30: 30 Cổ phiếu có Vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất trên HOSE. Có 4 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF DCVFMVN30; Quỹ ETF KIM Growth VN30; Quỹ ETF MAFM VN30; Quỹ ETF SSIAM VN30.
– VN100: Tương tự như VN30, nhưng là 100 mã Cổ phiếu có thanh khoản và giá trị Vốn hóa cao nhất HOSE. Có 2 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF IPAAM VN100; Quỹ ETF VINACAPITAL VN100.
– VNDiamond: là Chỉ số các Cổ phiếu kim cương Việt Nam, được HNX công bố, phản ánh biến động của 10-20 mã Cổ phiếu (hiện tại là 18 mã) với quy định về các tiêu chí như Vốn hoá, thanh khoản, giá trị Freefloat. Có 4 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF ABFVN DIAMOND; Quỹ ETF BVFVN DIAMOND; Quỹ ETF KIM GROWTH VN DIAMOND; Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND.
– VNX50: Chỉ số được xây dựng trên nền tảng của VNX AllShare, gồm 50 mã Cổ phiếu hàng đầu được niêm yết trên HNX và HOSE. Có 2 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF FPT CAPITAL VNX50; Quỹ ETF SSIAM VNX50.
– VNMidcap: Chỉ số với danh mục gồm 70 mã Cổ phiếu có Vốn hóa tầm trung, đáp ứng tiêu chí về thanh khoản và tư cách do HOSE đặt ra. Có 1 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP.
– VNFinselect: Gồm các Cổ phiếu đại diện nhóm ngành Tài chính, chủ yếu là Công ty Chứng khoán, Ngân hàng hoặc Bảo hiểm, được chọn từ rổ VNAllshare Financials. Có 1 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF KIM Growth VNFINSELECT.
– VNFIN LEAD: Là danh mục được HOSE tạo lập và kiểm soát, với danh mục gồm ít nhất 10 mã Cổ phiếu dẫn đầu ngành Tài chính Việt Nam, như BID, TCB,… Có 1 Quỹ tham chiếu là Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD.
Trên đây là Khái niệm Quỹ ETF là gì? Ưu nhược điểm của Quỹ ETF và danh sách các Quỹ ETF tại Việt Nam hiện nay. Nếu còn vướng mắc, xin thông tin liên hệ lại.
—————————————————————
Các bài viết khác có liên quan
> Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số
> Vốn hóa Thị trường và Cổ phiếu Blue-Chip, Penny, MidCap
> Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float
> Thanh khoản Chứng khoán và Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán
—————————————————————
Các bài viết khác có thể bạn quan tâm
> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội / Khóa học Chứng khoán Online
—————————————————————
(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 11/2024)