Lệnh Giới hạn LO trong Chứng khoán là gì? Cách dùng và Ví dụ

Giới thiệu

Trong Đầu tư Chứng khoán Việt Nam hiện nay có khá nhiều Lệnh được giới thiệu và sử dụng, có một số Lệnh được sử dụng thường xuyên hơn, đặc biệt phổ biến nhất là Lệnh LO. Đây là Lệnh Chứng khoán cơ bản, phần lớn Lệnh đặt trên Thị trường Chứng khoán là đến từ Lệnh này, do đó việc nắm rõ được Khái niệm Lệnh LO là rất cần thiết để các bạn có thể tham gia mua bán được trên Thị trường. Vậy Lệnh LO trong Chứng khoán là gi? Cách dùng và Ví dụ cụ thể, mình sẽ đưa ra phân tích trong Bài viết dưới đây.

Bài viết này Hỗ trợ cho Bài viết: Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online và Các loại Lệnh Đặt trong Chứng khoán – LO ATO ATC MP MTL MOK MAK PLO. Ngoài ra, đây cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Lệnh Giới hạn – Lệnh LO trong Chứng khoán là gì?
+ Cách sử dụng và Ví dụ về Lệnh LO trong chứng khoán.
+ Cách sử dụng và Ví dụ Lệnh LO trong App Mobile và Bản Website Đặt lệnh Mua bán Chứng khoán.

—————————————————————

1. Lệnh Giới hạn – Lệnh LO trong Chứng khoán là gì?

– Khái niệm: Lệnh LO là viết tắt của 2 chữ Tiếng Anh – Limit Order tức là Lệnh Giới hạn. Hiểu bản chất ở đây là Lệnh mua bán cổ phiếu tại một Mức giá xác định hoặc tốt hơn. Như vậy, từ khái niệm đến cơ chế của lệnh LO đều xuất phát từ tính Giới hạn của lệnh. Chúng ta cùng theo dõi Ví dụ sau để hiểu hơn về Tính Giới hạn và Lệnh này.

– Ví dụ và Phân tích về Tính Giới hạn: Chúng ta xét đến tính Giới hạn của Lệnh này thông qua 1 Ví dụ thực tế như sau:

Do Điện thoại Di động cũ của mình vừa bị hỏng và ngay ngày mai thì mình cần phải mua ngay 1 chiếc Điện thoại mới để đáp ưng nhu cầu Công việc và liên hệ trao đổi với Gia đình Bạn bè, qua tham khảo bạn bè đã sử dụng và cả các Thông tin trên mạng mình muốn mua chiếc Điện thoại Samsung Galaxy A72 của Samsung. Được giới thiệu là có 2 Đơn vị Uy tín và cũng khá gần mình là Hoàng Hà Mobile và Thế Giới Di động như sau:

Trong ảnh: Thông báo trên Website của Hoàng Hà Mobile và Thế Giới Di động về Thông tin của chiếc Điện thoại Samsung Galaxy A72 mà mình đang quan tâm (Link gốc ảnh)

Như ảnh trên và theo thông tin tìm hiểu được thì Thế giới Di động là một Hãng phân phối Điện thoại / Máy tính bảng / Laptop hàng đầu với Chiến lược Dịch vụ Tốt, mạng lưới Cửa hàng hỗ trợ rộng nhưng Giá bán lại cao với Giá là 10,49 triệu đồng, còn Hoàng Hà Mobile là một Hãng kinh doanh tương tự nhưng nhỏ hơn và đổi lại Giá bán là thấp hơn là 9,89 triệu đồng. Do nhu cầu Cá nhân mình tương đối ưu tiên về Giá là quan trọng nhất nên mình muốn sang Cửa hàng của bên Hoàng Hà Mobile trước và để phòng bên Hoàng Hà không có chiếc Màu Trắng mà mình mong muốn thì sẽ chuyển qua Cửa hàng Thế giới Di động ngay gần đó dù Giá cao hơn.

Và để chắc chắn hơn thì mình tìm thêm trên mạng một vài Cửa hàng Điện thoại Uy tín khác nhưng mà xa nhà mình hơn và một số Giá cao nhất đến 11 triệu đồng. Như vậy để chắc chắn sáng mai mình mua được chiếc Samsung Galaexy A72 chính hãng màu trắng thì mình sẽ mang theo trong người đúng 11 triệu đồng. Như vậy, 11 triệu đồng chính là Giới hạn cho Lệnh mua này. Tức là xấu nhất thì mình phải mua Cửa hàng vừa xa và vừa đắt nhất là 11 triệu đồng (Giả định ở đây chưa tính đến tất cả các Cửa hàng đều hết hàng). Tuy nhiên, nếu may mắn ngay khi đến Cửa hàng đầu tiên là Hoàng Hà Mobile đã có hàng và đúng màu trắng mình tìm thì mình chỉ phải thanh toán cho họ có 9,89 triệu đồng thay vì tối đa 11 triệu mình cầm đi.

Trong ảnh: Ví dụ thực tế về Lệnh Mua Bán và Giới hạn tối đa của Giá để có thể Giao dịch thành công (Link gốc ảnh)

Tính chất như thế được gọi là Giới hạn, tức là Lệnh mua là Giá 11 triệu đồng thì sẽ ưu tiên là Khớp lệnh thấp nhất trước với Bên Bán (ở đây là 9,89 triệu đồng – Hoàng Hà Mobile), trường hợp Lệnh Bán thấp nhất trước đã hết thì sẽ chuyển lên những giá cao hơn (như ở đây là 10,49 triệu đồng – Thế giới Di động) và nếu không có nữa sẽ chuyển đến Lệnh Bán giá 11 triệu đồng là cuối cùng. Trường hợp cả Cửa hàng Bán Giá 11 triệu cũng không còn và chỉ có Cửa hàng Bán giá 11,5 triệu đồng ở rất xa thì sẽ không mua vì tối đa mình cũng chỉ mang có 11 triệu đồng.

Tổng hợp lại, Tính Giới hạn với bên Mua là mức cao nhất mà Người Mua muốn mua nhưng có Giá Mua thấp hơn giá bạn mong muốn thì càng tốt và sẽ giao dịch thành công giá đó. Tức là Giá đặt lệnh và Giá giao dịch thành công đôi khi là không giống nhau. Tương tự, Tính Giới hạn với bên Bán là mức Giá thấp nhất mà Người Bán muốn bán nhưng bán được Giá Bán cao hơn thì càng tốt.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Lệnh Giới hạn – Lệnh LO trong Chứng khoán là gì?” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

2. Cách Sử dụng và Ví dụ Lệnh LO trong Bảng giá Chứng khoán

Cách Sử dụng Lệnh LO trên Bảng giá Chứng khoán: Ta có Bảng giá Chứng khoán trên App Mobile Vstock như ảnh dưới và Áp dụng vào Bảng giá Chứng khoán với Mã Chứng khoán ACB của Ngân hàng ACB như ở Hình ảnh trên, ta sẽ thấy ở đây cũng là một Thị trường Mua bán với nhiều mức giá khác nhau, từ đó ta có một số khái niệm tương ứng:

– Các Cột “Bán”: được hiểu là những Người muốn bán và chưa bán được như đánh dấu đỏ bên Phải của Hình dưới. Dưới các cột “Bán” ta thấy các Cột như “Bán 1” tức là Giá Bán 1 hay Giá Bán thấp nhất của bên Bán hiện tại mà người mua có thể mua được là 32,25 ngàn đồng với khối lượng kèm tại Giá đó là 4.600 Cổ phiếu (Viết gọn là 4,60 như Hình). Tương tự Cột “Bán 2” lần lượt là Giá Bán thấp thứ 2 Bên Bán (Là ưu tiên thứ 2 với Người Mua) Giá 32,3 ngàn đồng – Khối lượng kèm 19.100 Cổ phiếu và Cột “Bán 3” là Giá Bán thấp thứ 3 – Giá 32,35 ngàn đồng – Khối lượng kèm 15.900 Cổ phiếu.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán trên trên App Mobile Vstock – Trong đó phần cần đánh giá ở đây là Mã CK ACB của Ngân hàng Á Châu – ACB (Link gốc ảnh)

Theo Nguyên tắc Kinh tế cũng như tính chất Giới hạn như đã nói ở trên thì Người Mua đều sẽ chọn mua với Giá Bán thấp nhất để mua và có lợi nhất nên gọi Bên Bán này là Bán 1, hết Bán 1 thì ta sẽ mua lên giá cao hơn là Bán 2, Bán 3 và thậm chí là cả Bán 4, Bán 5, … sau bảng chưa hiện ra (Vì Diện tích Màn hình có hạn nên chỉ hiện ra 3 Giá Bán thấp nhất).

– Cột “Mua”: tương tự bán và được hiểu là những Người muốn mua và chưa mua được như đánh dấu đỏ bên Trái của Hình. Dưới các cột “Mua” ta thấy Cột như “Mua 1” tức là Giá Mua 1 hay Giá Mua cao nhất của Bên mua hiện tại mà người bán có thể bán được là 32,2 ngàn đồng với khối lượng kèm tại Giá đó là 56.900 Cổ phiếu. Tương tự Cột “Mua 2” là Giá Mua cao thứ 2 bên Mua (Là ưu tiên thứ 2 với Người Bán) Giá 32,15 ngàn đồng – Khối lượng kèm 31.300 Cổ phiếu và Cột “Mua 3” là Giá Mua cao thứ 3 bên Mua (Là ưu tiên thứ 3 với Người Bán) Giá 32,1 ngàn đồng – Khối luộng kèm 205.500 Cổ phiếu.

Cũng theo Tính chất Giới hạn ở trên thì Người Bán đều chọn bán với Giá Mua cao nhất có thể để có lợi nhất để bán và có lợi nhất nên gọi Bên Mua này là Mua 1, hết Mua 1 thì ta sẽ bán xuống giá thấp hơn là Mua 2, Mua 3 và thậm chỉ cả Mua 4, Mua 5, …. sau bảng chưa hiện ra.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán trên trên Website VPS – Trong đó phần cần đánh giá ở đây là Mã CK ACB của Ngân hàng Á Châu – ACB (Link gốc ảnh)

– Cột “Khớp lệnh”: ở đây được hiểu là Lệnh Giao dịch thành công gần nhất với Giá, Khối lượng và Tăng giảm so với giá Tham chiếu của Lô giao dịch đó. Như trong Hình ảnh trên cũng tại Mã Chứng khoán ACB thì Lệnh Khớp tại giá 32,2 ngàn đồng, Khối lượng Khớp kèm 332.100 Cổ phiếu và Giá Khớp này giảm 0,1 ngàn đồng so với Giá Tham chiếu 32,3 ngàn đồng.

Như vậy, trong Lệnh Giới hạn LO thì ai mua Giá cao hơn thì được ưu tiên trước, ai bán Giá thấp hơn thì được ưu tiên trước. Và trong quá trình Khớp lệnh thì sẽ ưu tiên khớp tại mức giá tốt hơn trước.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Cách Sử dụng và Ví dụ Lệnh LO trong Bảng giá Chứng khoán” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

3. Cách sử dụng và Ví dụ Lệnh LO trong App Mobile và Bản Website Đặt lệnh Mua bán Chứng khoán

Theo quy định, Lệnh LO được sử dụng trên cả 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCOM và trong tất cả các phiên giao dịch, do đó với mã chứng khoán nào bạn cũng có thể đặt lệnh LO để mua bán trong suốt giờ giao dịch. Về cách đặt lệnh LO cũng tương tự như các Lệnh Chứng khoán khác, bạn sẽ đặt lệnh qua Tài khoản Chứng khoán của bạn trên App / Web Công ty Chứng khoán. Cụ thể, để các bạn dễ hiểu hơn, dưới đây mình sẽ giới thiệu về cách sử dụng lệnh LO để mua bán Chứng khoán qua Tài khoản Chứng khoán VPS trên cả 2 nền tảng App và Web SmartOne của VPS, trường hợp bạn mở Tài khoản tại Công ty Chứng khoán khác thì cũng có cách đặt lệnh tương tự:

3.1. Với App Mobile – SmartOne VPS:

– Bước 1: Bạn đăng nhập vào Tài khoản Chứng khoán trên App SmartOne VPS và chọn mục Cổ phiếu như Ảnh đầu tiên bên Trái của Hình dưới. Trên màn hình lúc này là phần Danh mục, bao gồm Tổng quan danh mục (Giá trị Chứng khoán) và Số dư tiền, phía góc bên phải hiển thị mục Mua / Bán.
– Bước 2: Bạn bấm chọn vào nút Mua / Bán (Màu Xanh lá / Màu Đỏ) như Ảnh thứ 2 từ Trái sang của Hình dưới, Hệ thống sẽ hiển thị màn hình đặt lệnh Mua / Bán. Ở đây mình chọn lệnh “Mua“.
– Bước 3: Lựa chọn Lệnh thường và Điền thông tin Lệnh Mua / Bán bao gồm:

Trong ảnh: Giao dịch App Mobile SmartOne Đặt lệnh Mua bán Chứng khoán của VPS tuần tự các bước từ Trái sang Phải (Link gốc ảnh)

* Mã CK: Mã Chứng khoán mà bạn muốn đặt Mua – mình gõ “ACB” do đang muốn mua Mã ACB, lúc này Thông tin Giá và Khối lượng của Công ty sẽ hiện ngay lên như Ảnh bên Phải ngoài cùng của Hình ảnh trên và bạn có thể kiểm tra xem có đúng với Mã mình muốn mua hay không. Ở đây, Mã ACB là mã cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu đang Niêm yết ở sàn HOSE (Hay còn gọi là HSX).
* Giá: là Giá dự kiến muốn Mua / Bán, đây chính là mức giá tối đa, mang tính giới hạn của lệnh LO – Ở đây mình gõ “32.2” tức là mình đang muốn Mua với giá tốt hơn hoặc tối đa là 32.200 đồng / cổ phiếu với mã ACB (Thấp hơn thì càng Tốt).
* Khối lượng: là Khối lượng Cổ phiếu Muốn Mua / Bán – Ở đây mình có thể gõ “100” do đang muốn Mua 100 cổ phiếu Mã ACB chả hạn (Hiện Lô Giao dịch ở Chứng khoán Việt Nam là Bội số của 100 Cổ phiếu). Trường hợp bạn có ít tiền và muốn mua < 100 Cổ phiếu thì sẽ nhập vào ô Giá trị muốn mua (VND) ví dụ 100.000 (VND) thì Hệ thống sẽ tự tính là bạn muốn mua 3,1 Cổ phiếu. Phần này sẽ được mình trình bày trong một Bài viết khác cụ thể hơn hoặc bạn có thể xem trước tại File Tại đây.
– Bước 3: Kiểm tra lại toàn bộ Thông tin của Lệnh, nếu đã đúng thì bấm chọn Đặt lệnh.

Thông báo Lệnh đặt thành công: Ngay sau khi bấm Đặt lệnh thì Hệ thống sẽ có dòng Thông báo trên màn hình là Gửi lệnh thành công. Như vậy là bạn đã thực hiện Đặt lệnh Giới hạn (LO) thành công trên App SmartOne VPS và sẽ được chờ để khớp khi có Lệnh đối ứng phù hợp.

3.2. Với Bản Website – SmartOne VPS:

Tài khoản Chứng khoán của VPS tại Phiên bản Website SmartOne VPS ở trên khá dễ nhìn. Và hiện tại màn hình đang ở Tab chính “Giao dịch”.

– Bước 1: Bạn đăng nhập vào Tài khoản Chứng khoán của VPS tại Phiên bản Website SmartOne VPS (Link Bản Website – SmartOne VPS). Lúc này, trên màn hình đang ở Tab chính “Giao dịch” như Mũi tên số 1 – Hình dưới, trong đó có Tab con “Mua – Bán” như Mũi tên số 2 – Hình dưới.
– Bước 2: Trên màn hình, bạn click vào nút Mua / Bán, Hệ thống sẽ hiển thị màn hình đặt lệnh Mua / Bán. Ở đây mình chọn lệnh “Mua“.
– Bước 3: Lựa chọn Lệnh thường và Điền thông tin Lệnh Mua / Bán bao gồm:

Trong ảnh: Giao dịch Bản Website SmartOne Đặt lệnh Mua bán Chứng khoán của VPS tuần tự như các Mũi tên từ số 1 đến số 6 (Link gốc ảnh)

* Mã CK: Mã Chứng khoán mà bạn muốn đặt Mua – Ở đây mình gõ “DTD” như Mũi tên số 3 do đang muốn mua Mã DTD của Công ty CP Đầu tư Phát triển Thành Đạt đang Niêm yết ở sàn HNX.
* Giá: là Giá dự kiến muốn Mua / Bán – Ở đây mình gõ “41.6” như Mũi tên số 4 tức là mình đang muốn mua với mức Giá Tối đa chấp nhận là 41.600 đồng với mỗi Cổ phiếu DTD.
* Khối lượng: là Khối lượng Cổ phiếu Muốn Mua / Bán – Ở đây mình gõ “200” như Mũi tên số 5 do đang muốn Mua 200 Cổ phiếu mã DTD.
– Bước 4: Sau khi Đặt lệnh xong khi tích vào “Đặt” như Mũi tên số 6, Hệ thống đề nghị ta kiểm tra lại Thông tin Lệnh 1 lần nữa, nếu không có sai sót thì bạn bấm chọn Xác nhận để hoàn thành Lệnh đặt.

Ngay sau khi Xác nhận Lệnh thì Hệ thống sẽ có dòng Thông báo Gửi lệnh thành công. Trên màn hình sẽ hiển thị đầy đủ dòng lệnh đó trong Tab con “Danh sách lệnh trong ngày” thuộc Tab lớn “Tình trạng giao dịch” (Ngay dưới Phần Đăt lệnh Mua bán). Như vậy là bạn đã thực hiện Đặt lệnh LO thành công và sẽ được chờ để khớp khi có Lệnh đối ứng phù hợp.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Cách sử dụng và Ví dụ Lệnh LO trong App Mobile và Bản Website Đặt lệnh Mua bán Chứng khoán” thì nghe thêm dưới đây:

Như vậy, trên đây mình đã giải thích cho các bạn nắm rõ được Khái niệm Lệnh LO trong Chứng khoán là gi? Cách dùng và Ví dụ cụ thể tại cả Bảng giá Chứng khoán, App Mobile Đặt lệnh Giao dịch và Bản Website Đặt lệnh Giao dịch. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc và muốn được giải thích thêm thì có thể liên hệ mình theo Thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới, mình sẽ hỗ trợ cho bạn.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online
> Các loại Lệnh Đặt trong Chứng khoán – LO ATO ATC MP MTL MOK MAK PLO

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 10/2021)